Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp đã được triển khai thực hiện trên cơ sở bám sát 5 nguyên tắc, định hướng của Chỉ thị số 39.
Các cơ quan, tổ chức đã phân tích, đánh giá đúng nhu cầu hợp tác, chủ động lựa chọn đối tác, xây dựng nội dung chương trình, dự án phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đặc điểm chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm túc các chương trình, dự án đã ký kết, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ; thực hiện tốt việc quản lý, điều phối và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Từ năm 2009 đến năm 2019, thực hiện định hướng chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trên cơ sở các định hướng, nguyên tắc hợp tác quốc tế được xác định tại Chỉ thị số 39-CT/TW, các cơ quan, tổ chức, địa phương đã tích cực triển khai đàm phán, đề xuất ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế về pháp luật và tư pháp, trong đó có các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, cũng như đàm phán, xây dựng và triển khai các chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo các hình thức như hội nghị, hội thảo, nghiên cứu chuyên gia, khảo sát thực tiễn…
Việc thực hiện Chỉ thị theo phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa, tăng cường ký kết và thực hiện các thoả thuận hợp tác song phương với các nước theo nguyên tắc có đi có lại, nâng cao tính hiệu quả, phát huy những tác dụng tích cực của các chương trình, dự án đã được ký kết, đưa quan hệ hợp tác được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định; lựa chọn nội dung, đối tác, hình thức hợp tác hợp lý, thiết thực với các đối tác có khả và thiện chí để hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính theo chủ trương, đường lối, pháp luật của Việt Nam; bảo đảm việc quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, quy định, công khai các nguồn kinh phí của các chương trình, dự án; việc tiếp thu những tri thức, kinh nghiệm tốt của các nước phải được chọn lọc, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, tương thích với pháp luật trong nước và quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh qua hơn 30 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế xã hội, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo đúng chiến lược của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách pháp luật, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng, Chỉ thị 39 có vai trò quan trọng trong việc xác định cụ thể các định hướng, nguyên tắc và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cơ bản cho công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.
Việc tổng kết Chỉ thị 39 có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành tổng kết Nghị quyết 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam định hướng đến năm 2020. Kết quả tổng kết này sẽ góp phần vào việc đề xuất với cấp có thẩm quyền định hướng, chính sách công tác đối ngoại, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện Chỉ thị số 39, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể thực hiện nghiêm túc, bám sát các định hướng và đạt được nhiều kết quả. Qua đó, góp phần tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực, bền vững của việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Nhiều kết quả đã góp phần hỗ trợ cả về nguồn lực và kinh nghiệm trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, bạn bè quốc tế cũng hiểu rõ hơn hệ thống pháp luật Việt Nam, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
“Chúng ta đã chủ động hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và đủ bản lĩnh để hội nhập có hiệu quả”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh và yêu cầu cần “tăng cường nguồn lực và đội ngũ cán bộ có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất, trình độ ngoại ngữ và tin học trong quá trình thực hiện. Trong đó, quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư trong việc tham gia vào giải quyết các vụ việc và tranh chấp quốc tế”.
Cùng với đó là tăng cường việc quán triệt sâu sắc và đầy đủ Chỉ thị 39 đến các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ; xây dựng và thực hiện các cơ chế, giải pháp đối với việc triển khai Chỉ thị trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay; cụ thể hóa 5 nguyên tắc, định hướng triển khai thực hiện Chỉ thị thực sự hiệu quả...