Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 10 tháng đầu năm đạt 4.059,4 nghìn tỉ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, các chuyên gia kinh tế dự đoán, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 4.901 - 4.923 nghìn tỷ đồng, tăng từ 11,6 - 12% so với năm 2018. Như vậy, mức chỉ tiêu này có thể nói đã đạt được khi quý 4 vẫn còn chưa kết thúc. Tuy nhiên, mức tăng chỉ ở mức ổn định nhưng vẫn chưa cao.
Năm 2019, bối cảnh kinh tế xã hội thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều khó khăn. Đó là cuộc chiến thương mại Mỹ Trung gây ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, ngành chăn nuôi gặp khó khăn khi dịch tả lợn châu Phi lây lan khắp các tỉnh thành khiến cho chỉ số giá tiêu dùng CPI cũng tăng vọt ảnh hưởng đến các ngành hàng tiêu dùng khác.
Nền kinh tế trong nước giữ ở mức ổn định, lạm phát được kiểm soát và tốc độ tăng trưởng của tổng sản phẩm trong nước vẫn tăng đều nhưng không quá cao.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2019 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,53%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,05% và khu vực dịch vụ tăng 7,11%.
Đáng chú ý, nếu như các năm trước, ngành hàng lương thực, thực phẩm luôn có mức tăng mạnh nhất và chiếm tỷ trọng cao trong doanh thu bán lẻ thì trong 10 tháng qua, ngành này lại tụt xuống vị trí thứ hai. Điều này cũng có thể lý giải khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng và chưa được kiểm soát hoàn toàn ở các tỉnh thành. Những tháng cuối năm, thịt lợn không đủ cung ứng thị trường và tăng giá đột ngột. Điều này kéo theo các loại thực phẩm khác cũng tăng ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của người tiêu dùng.
Các sản phẩm văn hoá, giáo dục lại là ngành hàng có mức tăng trưởng dẫn đầu, với 17,4%. Ngành hàng lương thực, thực phẩm bị tụt xuống vị trí thứ hai với mức tăng chỉ 14,5%. Các lĩnh vực tiêu dùng khác vẫn tăng đều đặn. Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình có mức tăng mạnh thứ ba với 13%. Ngành hàng may mặc cũng đạt tăng trưởng khá với 12%; phương tiện đi lại tăng 10,2%.
Theo báo cáo của Kantar Worldpanel Việt Nam, thị trường các ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đang nóng dần ở địa bàn tỉnh lẻ khi tốc độ tăng trưởng tại nông thôn gấp đôi năm trước. Các ngành hàng tăng trưởng mạnh ở các vùng nông thôn là sữa, các sản phẩm từ sữa. Đối với khu vực thành thị, các ngành hàng như chăm sóc cá nhân và gia đình như thức uống, sức khỏe, làm đẹp lại tăng trưởng tốt hơn. Hầu hết các kênh mua sắm, thương mại điện tử phát triển mạnh ở khu vực thành thị hơn nông thôn.
Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, gắn chặt với các thiết bị di động, mạng xã hội vì vậy khá thích nghi với việc mua hàng trực tuyến. Tuy nhiên, các kênh bán hàng truyền thống vẫn có sức thống lĩnh thị trường. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy có đến 98% doanh thu trong 10 tháng đầu năm đến từ các cửa hàng đại lý và chỉ 2% từ kênh thương mại điện tử.
Thị trường tiêu dùng cũng đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A giữa các ông lớn trong năm vừa qua. Vì thế, dự kiến tháng cuối năm 2019, bước sang năm mới 2020, thị trường tiêu dùng sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa.