Top 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản Việt Nam năm 2022

Top 10 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản Việt Nam năm 2022

Thứ Bảy, 31/12/2022 - 06:15

2022 là một năm nhiều cung bậc của thị trường bất động sản với 2 thái cực trái ngược: Đầu năm ng phấn với nhiều kỳ vọng, cuối năm trầm lắng với những khó khăn, thách thức; không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư đã phải “rời bỏ cuộc chơi”. Đây cũng được xem là cuộc sàng lọc mang tính chu kỳ mạnh mẽ sau thời gian dài tăng trưởng “nóng” của thị trường địa ốc.

Tuy nhiên, với những động thái tích cực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và các bộ ngành, thị trường bất động sản Việt Nam đang nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tạo phông nền chung tươi sáng hơn trong năm 2023.

Năm 2022 được đánh giá là năm bản lề thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và cũng là năm đầu tiên thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cũng bởi vậy mà thời gian qua, nhiều Nghị quyết quan trọng đã được Đảng, Chính phủ ban hành.

Trong đó, liên quan trực tiếp đến lĩnh vực bất động sản, hàng loạt Nghị quyết mới cũng xuất hiện như: Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 06-NQ/TW, Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết 148/NQ-CP… đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc điều chỉnh, định hướng thị trường bất động sản phát triển toàn diện, hài hoà, bền vững. Đặc biệt là hướng đến đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất; giảm thiểu tiêu cực về đất đai, giảm thiểu được lãng phí, tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện có liên quan đến đất đai.

Trong đó, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ban hành ngày 24/01/2022 là Nghị quyết quan trọng và hết sức cần thiết. Đây là cơ sở cho sự ra đời các cơ chế chính sách mới, phát triển đô thị toàn diện và bền vững. Để hoàn thành các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 06, ngày 11/11/2022, Chính phủ đã ban hành thêm Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06.

“Nghị quyết số 18-NQ/TW là cơ sở chính trị rất quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai, nổi bật là Luật Đất đai 2013 nhằm khai thác tối ưu nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới phát triển thị trường bất động sản”.

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Sau sự ra đời của Nghị quyết số 06 là Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Theo đó, Nghị quyết 18 đã đề ra những mục tiêu, định hướng mới đáng lưu ý đối với chính sách đất đai: Hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; bỏ khung giá đất, có phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; người sở hữu nhiều nhà, đất sẽ đánh thuế cao hơn; giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất…

Bên cạnh những Nghị quyết trên, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng là Nghị quyết đóng quan trọng trong sự phát triển của thị trường bất động sản. Đây được xem là cơ sở, căn cứ chính trị cho việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Đất đai được đánh giá là một lĩnh vực rất rộng lớn, cơ bản, hết sức phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Thời gian qua, chính sách, pháp luật về đất đai với những bộ luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản lần lượt được ban hành… có vai trò, tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, điều chỉnh những quan hệ xã hội phức tạp, có liên quan trực tiếp đến nguồn tài nguyên quý báu của quốc gia, cũng là loại tài sản có giá trị lớn của các cá nhân, tổ chức.

Dù có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, nhưng sau thời gian dài áp dụng, pháp luật về đất đai đã không còn phù hợp, bộc lộ không ít bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, tạo kẽ hở để cá nhân, tổ chức lợi dụng, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.

Theo đó, thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 18, các cơ quan chức năng đang gấp rút thực hiện sửa đổi những luật “xương sống”, quan trọng và điều chỉnh trực tiếp thị trường bất động sản gồm Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Các cơ quan chức năng đang gấp rút thực hiện sửa đổi những luật “xương sống”, quan trọng và điều chỉnh trực tiếp thị trường bất động sản.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 trong năm 2022 và dự kiến tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tập trung vào 5 vấn đề lớn, xuyên suốt và quan trọng nhất, đó là: Quy hoạch; tài chính và định giá; thể chế; cải cách thủ tục hành chính và chuyển dịch đất đai. 

Năm 2022, Bộ Xây dựng cũng đã tích cực lấy ý kiến góp ý từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người dân để hoàn thiện Dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Chính phủ. Trong đó, đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), từ khi công bố, vấn đề thời hạn sở hữu chung cư, xác định quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, quy định về xây dựng hạ tầng trong khu nhà ở, quy trình lựa chọn chủ đầu tư… là những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm thảo luận của cộng đồng và doanh nghiệp.

“Một trong những trọng tâm ưu tiên trong năm 2022 là cải cách, đổi mới mạnh mẽ về thể chế, nhất là sửa đổi Luật Đất đai theo tiêu chí cao nhất về tính minh bạch trong tiếp cận thông tin, chia sẻ lợi ích từ nguồn lợi tài nguyên”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Song song đó, dự án Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi xoay quanh các vấn đề: Hành lang pháp lý đối với các loại hình bất động sản du lịch, tài chính bất động sản, thủ tục nhận chuyển nhượng dự án đối với nhà đầu tư FDI… Hai dự án Luật này dự kiến sẽ được trình Quốc hội lần đầu vào Kỳ họp thứ 5, thông qua vào Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Với vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường bất động sản trong giai đoạn tới, việc sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những “nút thắt” chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, tiếp thêm động lực cho thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.

Tháng 6/2022, với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu gồm lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các hội, hiệp hội, các tổ chức trong nước và quốc tế; chuyên gia các lĩnh vực luật, kinh tế, tài chính, ngân hàng cùng các doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ V nhiệm kỳ 2022 - 2027. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Hiệp hội khoá mới, đồng thời thông qua Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ và chương trình hoạt động nhiệm kỳ V (2022 - 2027).

Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành khóa mới, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã triển khai tổ chức 17 Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và pháp luật liên quan đến cơ chế, chính sách nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhà ở nói riêng và bất động sản nói chung.

Hiệp hội cũng tích cực tham gia các Hội thảo tham vấn do các bộ, ngành, Trung ương, địa phương tổ chức (khoảng 45 cuộc), phối hợp và trình bày tham luận đóng góp ý kiến tại nhiều buổi Hội thảo, Diễn đàn, Hội nghị do cơ quan Nhà nước và các đơn vị khác tổ chức về việc góp ý sửa đổi các luật như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…

Năm 2022, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã thực hiện chuỗi hoạt động quan trọng góp phần hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan đến bất động sản, định hướng thị trường bất động sản. 

Có thể kể đến một số sự kiện tiêu biểu như: Hội nghị Góp ý sửa đổi Luật Đất đai - Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh bất động sản, để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản - lần 1 (ngày 28/3/2022); Hội nghị Góp ý sửa đổi Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh bất động sản, để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản - lần 2 (ngày 28/4/2022); Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản (ngày 28/9/2022); Toạ đàm Dự báo thông tin thị trường bất động sản 2023 (ngày 24/11/2022) nhằm cung cấp những thông tin cần thiết về thị trường bất động sản thời gian tới…

Sau các hội nghị, hội thảo, Hiệp hội đều có báo cáo tổng hợp ý kiến kèm theo văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung từng luật gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Riêng về Luật Đất đai, Hiệp hội đã báo cáo Chính phủ và Quốc hội về kiến nghị chi tiết sửa đổi, bổ sung Luật. Đây là chuỗi hoạt động nổi bật của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong năm 2022, góp phần hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan đến bất động sản, định hướng thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. 

Từ cuối quý II/2022, thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng. Hàng loạt chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu cùng việc lãnh đạo một số doanh nghiệp bị điều tra, xử lý đã khiến tâm lý chung trên thị trường trở nên e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn, các dự án đang triển khai phải “nhấn nút” tạm dừng.

Theo Báo cáo thị trường quý III/2022 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nguồn cung bất động sản có xu hướng giảm rõ rệt. Nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực. Tỷ lệ hấp thụ trong quý III/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán có dấu hiệu chững lại, một số dự án đã phải sử dụng chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết vay...

Báo cáo của Batdongsan.com.vn cũng chỉ ra, nhiều tỉnh phía Nam chứng kiến nhu cầu tìm mua bất động sản trong quý III/2022 giảm so với quý trước. Đơn cử, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, mặt bằng giá rao bất động sản ở các địa phương này sụt giảm mạnh từ 19 - 33%. Trong quý III/2022, nguồn cung sơ cấp thị trường căn hộ TP.HCM giảm còn 6.600 căn, giảm 51% theo quý. Giá cả cao, cùng với việc siết chặt tín dụng khiến thanh khoản thị trường giảm, dẫn tới lượng giao dịch giảm 89%.

Tình trạng này không chỉ kéo dài trong quý III mà đã diễn ra trong cả quý IV/2022 khi những bất ổn về kinh tế vĩ mô và điểm nghẽn dòng vốn có chiều hướng gia tăng. 

Cùng với sự trầm lắng, chững lại của thị trường bất động sản, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp địa ốc đã ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ; một số cổ phiếu bất động sản “nằm sàn”; đặc biệt là rủi ro giảm sâu thanh khoản, có thể bị mất thanh khoản, thể hiện qua việc nhiều doanh nghiệp đang phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để “tồn tại”. 

Đơn cử như một số doanh nghiệp bất động sản đang phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh hoặc tinh giản tối đa bộ máy, cắt giảm nhân sự hoặc buộc phải giảm lương. Thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động, gây ra những tác động tiêu cực đến vấn đề an sinh xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động và nhiều hộ gia đình.

Ngoài ra, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh “đói vốn”, phải vay vốn ngoài xã hội như tín dụng đen với lãi suất rất cao, đầy rủi ro; hay phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí lên đến 40% giá trị hợp đồng). Điều này tuy tạo ra cơ hội cho khách hàng mua nhà với giá rẻ hơn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro do là sản phẩm hình thành trong tương lai.

"Chưa bao giờ doanh nghiệp bất động sản khó khăn như hiện nay. Khó khăn về pháp lý, khó khăn về dòng vốn cùng việc thị trường chứng kiến nhiều đợt “bão giá” vật liệu xây dựng”.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP.Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam

Chưa kể, việc bán dự án với giá hời có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thâu tóm, làm mất đi lợi thế của các doanh nghiệp trong nước đang dẫn dắt thị trường bất động sản hiện nay. 

Theo nhiều chuyên gia, nếu không sớm có các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ cơ quan quản lý Nhà nước, đi đôi với nỗ lực tái cấu trúc, tái cơ cấu của từng doanh nghiệp bất động sản về đầu tư, sản phẩm hướng đến nhu cầu thực, thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn hơn nữa, nguy cơ từ suy giảm đến suy thoái là rất lớn.  

Trước những biến động của thị trường bất động sản trong các tháng cuối năm 2022, Chính phủ đã và đang tích cực đưa ra nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để cho thị trường.

 “Chính phủ đã lập 3 tổ công tác để xử lý những vấn đề nội tại của tiền tệ, vốn, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Các tổ công tác này do Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng cùng tiến hành kiểm tra, giám sát và tháo gỡ vướng mắc về thị trường trái phiếu, bất động sản đảm bảo quyền lợi người dân và doanh nghiệp”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Về giải pháp trung và dài hạn, ngày 17/11/2022, Quyết định số 1435/QĐ-TTg về “thành lập Tổ công tác rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương doanh nghiệp” được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Tiếp đó, ngày 10/12/2022, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới room tín dụng năm 2022 thêm 1,5-2% để có thêm khoảng 240.000 tỷ đồng cộng với khoảng 200.000 tỷ đồng của room tín dụng 14% còn lại thì sẽ có tổng nguồn vốn tín dụng khoảng 440.000 tỷ đồng để bơm vào nền kinh tế ngay trong tháng 12/2022.

Đặc biệt trong 03 ngày liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ đã ký 03 công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường bất động sản, bao gồm: Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 “về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế”; Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 “về thị trường trái phiếu doanh nghiệp”; Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 “về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở”.

Về giải pháp ngắn hạn, Chính phủ đang khẩn trương xem xét ban hành 02 Nghị định theo hình thức một Nghị định sửa đổi, bổ sung nhiều Nghị định gồm có: Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực đất đai”, đi đôi với sửa đổi một số Thông tư liên quan để khắc phục ngay một số bất cập, vướng mắc nhưng vẫn phải bảo đảm phù hợp với luật hiện hành, trong thời gian chờ các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (mới) và một số luật liên quan được ban hành và có hiệu lực.

Chính phủ đã đề nghị và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất triệu tập Cuộc họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội dự kiến tổ chức vào tháng 01/2023 để xem xét, quyết định những vấn đề thật cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đủ rõ và có sự đồng thuận, thống nhất cao trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Chính phủ cũng đang xem xét bổ sung nội dung giải quyết tình hình thị trường bất động sản đang rất khó khăn hiện nay cũng là vấn đề rất cấp bách trong Cuộc họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội để hỗ trợ doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư và thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn rất khó khăn hiện nay để phục hồi và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Có thể thấy, Chính phủ đang thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết và chính cộng đồng doanh nghiệp bất động sản chủ động tái cấu trúc, tái cơ cấu. Hơn hết, loạt động thái hỗ trợ từ phía Nhà nước đang giúp thị trường địa ốc lấy lại niềm tin của nhà đầu tư - yếu tố quyết định đến vấn đề thanh khoản thị trường. Theo nhiều quan điểm, đây là những động lực quan trọng để thị trường bất động sản năm 2023 có cơ hội hồi phục và chuyển biến tích cực.

Thị trường bất động sản đã trải qua một năm 2022 với những biến động lớn nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nổi bật trong số đó là việc lãnh đạo một số tập đoàn lớn bị điều tra, xử lý các sai phạm liên quan đến phát hành trái phiếu, chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Những sự việc này đã làm dấy lên tâm lý hoang mang trong giới đầu tư, làm xuất hiện một cuộc khủng hoảng niềm tin trên thị trường. Khi niềm tin lung lay, thị trường bắt đầu có dấu hiệu suy giảm, loạt động thái thắt chặt tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp từ Ngân hàng Nhà nước nhằm hạn chế sự tăng trưởng “nóng” của bất động sản thời điểm này như một “cú đấm bồi” đẩy thị trường khó lại càng khó.

Cụ thể, tháng 4/2022, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 1976 gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, yêu cầu triển khai, thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động, thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.

“Tín dụng là bệ đỡ của nền kinh tế, là mạch máu, bình oxy của thị trường bất động sản. Không tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp gần như ngộp thở. Người mua nhà cũng vô cùng khó khăn”.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Cùng với đó, Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP cũng có chiều hướng siết chặt hơn hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ. Trước các chính sách kiểm soát vốn tín dụng, trái phiếu bất động sản, thị trường địa ốc nửa cuối năm 2022 đã đứng trước phép thử khắc nghiệt nhất trong vòng 5 - 7 năm qua.

Những chỉ đạo sát sao về kiểm soát dòng vốn tín dụng và trái phiếu chảy vào lĩnh vực bất động sản cùng sự đổ vỡ niềm tin trên thị trường đã trở thành “giọt nước tràn ly” khiến thị trường địa ốc rơi vào trầm lắng, đại bộ phận doanh nghiệp như bị bóp nghẹt do thiếu vốn và thanh khoản sản phẩm sụt giảm nghiêm trọng.

Ngày 1/8/2022, tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp” do Chính phủ tổ chức, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030.

Để thực hiện, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khẩn trương báo cáo số liệu. Đến đầu tháng 9/2022 đã có 40 địa phương

“Cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính phiền hà, rườm rà, không cần thiết, tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có động lực, cảm xúc, cảm hứng phát triển nhà ở xã hội”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

đăng ký nhu cầu và kế hoạch thực hiện. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo, nghiên cứu các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương được duyệt, Bộ Xây dựng tổng hợp nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 2,6 triệu căn. Mục tiêu đề ra của các địa phương cho giai đoạn này là hoàn thành 1,8 triệu căn hộ. 

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu về nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn; mục tiêu hoàn thành là 700.000 căn hộ, đáp ứng khoảng 54% nhu cầu. 

Giai đoạn 2025 - 2030, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn; mục tiêu hoàn thành là khoảng 1,1 triệu căn, đáp ứng 85% nhu cầu. 

Trước thực tế nhu cầu nhà ở của các địa phương, đề án đã đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, cả nước hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Các căn hộ có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp.

Nhà ở xã hội luôn là phân khúc được người dân quan tâm nhằm giải quyết nhu cầu an cư. 

Để đạt được mục tiêu này, đề án của Bộ Xây dựng cũng xác định, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ phải xây thêm 136.000 căn hộ, TP.HCM xây 130.000 căn hộ, Hải Phòng xây hơn 45.300 căn hộ, Đà Nẵng xây hơn 19.600 căn hộ, Cần Thơ xây hơn 12.700 căn hộ. Ngoài ra, các trung tâm công nghiệp của cả nước hiện nay cũng đặt mục tiêu xây dựng thêm hàng trăm ngàn căn hộ mới cho công nhân, người thu nhập thấp như: Bắc Giang khoảng 285.000 căn hộ; Bắc Ninh hơn 96.200 căn hộ, Bình Dương xây 84.000 căn hộ…

Ngay sau khi đề án của Bộ Xây dựng được đưa ra, rất nhiều doanh nghiệp đã đăng ký tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội. Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường nhà ở giá rẻ trong giai đoạn tới, kỳ vọng sẽ cung cấp một lượng lớn nguồn cung nhà ở phục vụ nhu cầu an cư của bộ phận người dân có thu nhập trung bình đến thấp, công nhân, lao động tại các khu công nghiệp.

Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế để tranh thủ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu khi là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng; có môi trường kinh tế vĩ mô và tình hình chính trị ổn định, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng; môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện…

Chính vì vậy, trong vài năm trở lại đây, khi sự chuyển dịch chuỗi cung ứng trên toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, góp phần hình thành nên bức tranh toàn cảnh với nhiều cơ hội và thách thức cho phân khúc bất động sản công nghiệp.

Bất động sản công nghiệp trở thành “điểm sáng” trên thị trường, bất chấp không ít biến động trong nước thời gian qua.

Đơn cử như trong năm 2022, Apple đã chuyển 11 nhà máy thuộc chuỗi cung ứng sang Việt Nam; Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương, với quy mô đầu tư hơn 1 tỷ USD; Tập đoàn đa quốc gia Techonic Industries (TTI), chuyên về các sản phẩm thiết bị điện và gia dụng, với 12 nhà máy trên toàn cầu, 76% sản phẩm cung cấp cho thị trường Mỹ, Bắc Âu cũng đang triển khai dự án đầu tư 650 triệu USD vào Khu công nghệ cao TP.HCM. Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng quy mô tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách cũng như chính các doanh nghiệp, sự chuyển dịch này đã mở ra cơ hội lớn nhất từ trước đến nay để doanh nghiệp Việt gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, là trợ lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của phân khúc bất động sản công nghiệp trở thành “điểm sáng” trên thị trường, bất chấp không ít biến động trong nước thời gian qua.

Ngày 25/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP về “Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. 

Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập

“Nhiều quy hoạch khác đang chờ Quy hoạch Tổng thể quốc gia, nên việc thông qua Quy hoạch này là hết sức quan trọng, cấp bách”. 

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

trung bình cao; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại…

Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống đô thị thông minh, giàu bản sắc, xanh. Giai đoạn 2031 - 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm.

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đặt ra 4 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá về phát triển quốc gia.

Thứ nhất, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, năng lượng, đô thị, hạ tầng số, bảo vệ môi trường, thủy lợi, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và hạ tầng văn hóa, xã hội.

Thứ hai, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và không gian phát triển, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

Thị trường bất động sản sẽ có cơ sở để phát triển hiệu quả, bền vững nếu Quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện một cách khoa học, hợp lý.

Thứ ba, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu lôi kéo sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Thứ tư, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây kết nối các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Phát triển các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn. 

Việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò hết sức quan trọng khi xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời. Khi Quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện một cách khoa học, hợp lý, bất động sản sẽ là lĩnh vực đầu tiên được hưởng lợi. Thị trường bất động sản sẽ có cơ sở để phát triển hiệu quả, bền vững. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top