Aa

TP. HCM: Làn sóng BĐS lan ra các vùng lân cận

Thứ Sáu, 20/01/2017 - 06:01

Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, sang năm 2017, thị trường nhà đất TP. HCM sẽ tiếp tục chu kỳ tăng trưởng ổn định, đồng thời có những sự điều chỉnh lớn về cơ cấu sản phẩm để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu. Cùng với việc kích nguồn cung nhà ở thực, quy mô BĐS tại thành phố này đang được đẩy lan ra khỏi ranh giới hành chính vùng đô thị.

Có sự gia tăng lớn nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp

Dù vẫn duy trì đà phục hồi nhưng thị trường BĐS TP. HCM năm 2016 đã chững lại so với năm 2015 và có sự lệch pha rõ rệt về cung - cầu. Mặc dù phân khúc nhà ở vừa túi tiền đã đạt khoảng 80% nguồn cung trên thị trường nhưng vẫn chưa đủ phục vụ nhu cầu của người thu nhập thấp và người nhập cư tại thành phố này.

Tính đến hết tháng 11/2016, đã có 10.316 đối tượng được vay vốn trong khuôn khổ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng với tổng số tiền được vay là 7.032,3 tỷ đồng. Trong đó, có 10.308 cá nhân vay 5.575,4 tỷ đồng và 8 chủ đầu tư dự án NƠXH vay 1.456,8 tỷ đồng.

Khảo sát cho thấy, năm 2016, TP. HCM đã có thêm hơn 30.000 sản phẩm nhà ở, số lượng bán được đạt khoảng trên 23.000 căn, tồn kho chỉ còn 5.954 tỷ đồng, giảm 4.153 tỷ đồng so với năm 2015.

Trong năm qua, giá bán căn hộ tăng khoảng trên dưới 5%. Giá bán đất nền có mức tăng cao hơn (trên dưới 10%) tùy theo loại sản phẩm, tiện ích hoặc vị trí dự án.

Điểm sáng tại thị trường BĐS TP. HCM năm 2016 được đánh dấu bằng sự trỗi dậy mạnh mẽ của phân khúc văn phòng và mặt bằng bán lẻ cho thuê. Bà Đỗ Thu Hằng, Phó Giám đốc - Trưởng Bộ phận nghiên cứu Công ty Savills cho rằng, thị trường văn phòng và bán lẻ TP. HCM năm 2016 đã đạt ngưỡng tốt hơn nhiều so với những năm gần đây. Công suất bình quân gần 98% trong quý III/2016 và dự báo vẫn tiếp tục duy trì trong năm 2017 bởi nguồn cung đang hạn chế, nhất là khu vực trung tâm thành phố. Mức lấp đầy này hiện đang cao nhất so với một số nước trong khu vực và đứng thứ hai về mức giá thuê trung bình là 40 USD/m2.

Dự án Richstar của chủ đầu tư Novaland

Dự án Richstar của chủ đầu tư Novaland

Một điểm đáng chú ý khác trên thị trường nhà đất TP. HCM năm 2016 là sự gia tăng rất lớn số lượng nhà đầu tư kinh doanh BĐS thứ cấp mua để cho thuê hoặc bán lại kiếm lời; nhất là trong phân khúc thị trường BĐS cao cấp và phân khúc trung bình khá. Tỷ lệ mua đi bán lại chiếm khoảng trên dưới 50% giao dịch, tùy theo dự án. Theo khảo sát của CBRE, thậm chí nhiều người nước ngoài đã mua nhà tại TP. HCM cũng chủ yếu nhằm mục đích đầu tư, kinh doanh. Trong đó, 38% mua để cho thuê; 21% mua để bán lại và chỉ có 29% mua để ở.

So sánh với thời điểm bong bóng BĐS 2007, khi tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp chiếm đến khoảng 70% thì con số này hiện nay là trên dưới 50% - một con số không hề thấp. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, khả năng bong bóng BĐS tại TP. HCM sẽ khó xảy ra. 

 

BĐS TP. HCM bắt đầu vượt khỏi vùng đô thị thành phố

Dự báo về tình hình BĐS TP. HCM năm 2017, Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) dự báo thị trường này tiếp tục nằm trong chu kỳ tăng trưởng và sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết dần những điểm yếu còn tồn đọng hiện nay. HoREA cũng cho rằng, nhân tố tác động tích cực đến thị trường trong những năm tới là hệ thống pháp luật (trước hết là pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS, xây dựng, đầu tư, đấu thầu, tín dụng, tiền tệ, thuế...) đang và sẽ tiếp tục được hoàn thiện.

Năm 2017, thị trường BĐS TP. HCM có cơ hội được hưởng lợi từ "Chương trình phát triển các khu đô thị mới" định hướng phát triển các khu đô thị vệ tinh và "Chương trình chỉnh trang đô thị cũ" của TP. HCM với 3 mục tiêu lớn là: Chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch; Xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng; Chỉnh trang các khu dân cư cũ.

Dự án Him Lam Phú An

Dự án Him Lam Phú An

Cùng với đó, "Chương trình phát triển NƠXH" cho người thu nhập thấp, người nhập cư cũng là động lực hỗ trợ thị trường địa ốc TP. HCM phát triển theo hướng lành mạnh và bền vững.Thực tế cho thấy,  diễn biến tốt của BĐS TP. HCM trong năm tới được dự báo trước bởi độ nóng đang dần phủ sóng sang những vùng lân cận, chứ không còn bó gọn trong vùng đô thị thành phố. Theo quan sát của giới đầu tư BĐS chuyên nghiệp, quy mô thị trường BĐS TP. HCM đã và đang có xu hướng vượt ra khỏi ranh giới hành chính trong "Vùng đô thị TP. HCM", dịch chuyển dần sang các khu vực giáp ranh, như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Riêng đối với nội vùng hành chính TP. HCM, thị trường nhà đất cũng đang có sự dịch chuyển đáng kể. Sau làn sóng đầu tư vào các dự án nhà ở tại phía Đông và Nam (gồm các quận 2, 9, 4, 7), nhiều công trình đang “đi dần”về phía Tây thành phố. Mức giá trên mỗi sản phẩm dao động khoảng 1,5 tỷ đồng, hợp với túi tiền của đa số những người có nhu cầu ở thực. Đây chính là những dự án được kỳ vọng sẽ giúp cân bằng sự lệch pha cung - cầu và đóng góp vào tiến trình hoàn thiện của thị trường BĐS TP. HCM.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top