Để tránh lãng phí nguồn lực và cơ hội của những NĐT khác, mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo rà soát và xử lý các dự án đã được cấp phép xây dựng nhưng chậm triển khai thực hiện trên địa bàn khu trung tâm, thành phố. UBND TP giao Sở Xây dựng có thông báo bằng văn bản gửi CĐT của dự án phải khẩn trương triển khai thực hiện lại dự án theo đúng nội dung Giấy phép xây dựng đã cấp trong thời hạn 6 tháng (kể từ ngày ban hành thông báo này) để sớm đưa công trình vào sử dụng, đảm bảo mỹ quan đô thị khu trung tâm thành phố.
Quá thời hạn nêu trên mà CĐT vẫn chưa triển khai thực hiện lại dự án, Sở Xây dựng sẽ căn cứ Luật Xây dựng năm 2014, các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng có liên quan để xem xét, xử lý từng trường hợp cụ thể theo đúng quy định pháp luật.
Theo đó, thành phố sẽ chia các dự án chậm triển khai thành nhiều nhóm (nhóm dự án có giấy phép hết hạn, nhóm dự án đã triển khai một phần nhỏ nhưng nay làm bãi giữ xe, quán ăn (sẽ thông báo cho CĐT triển khai theo giấy phép) và các dự án bỏ hoang) để có hướng xử lý thích hợp.
Đối với dự án đã tháo dỡ hiện trạng cũ và hiện đang cho thuê kinh doanh các loại hình ăn uống, giữ xe... sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận 1 và quận 3 rà soát, thu hồi các giấy phép đăng ký kinh doanh đã cấp, không cấp mới hoặc gia hạn giấy phép đăng ký kinh doanh tại địa điểm nêu trên.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TPHCM cho biết, trong những ngày qua, UBND TP đã rà soát được 3 dự án gồm dự án trung tâm thương mại thế giới trên đường Lê Thánh Tôn, dự án khu vực giao lộ Lê Lợi - Pasteur và dự án “tam giác vàng” Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão - Trần Hưng Đạo.
“Trong trường hợp các chủ đầu tư vẫn còn quyết tâm thực hiện dự án, phải có cam kết thực hiện, thời gian thực hiện, tiến độ từng phần như thế nào. Từ đó, UBND TP sẽ chấp nhận gia hạn, cho phép tiếp tục đầu tư dự án”, đại diện TP HCM cho hay.
Đề cập đến vấn đề này, nhiều quan điểm cho rằng, có nhiều nguyên nhân để chủ đầu tư lý giải cho sự chậm trễ triển khai dự án ở các khu "đất vàng", như: thủ tục chậm, vướng giải phóng mặt bằng, thời gian qua thị trường ảm đạm, việc triển khai dự án không đúng lúc, sản phẩm không bán được sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến bài toán kinh doanh của chủ đầu tư...
Tuy nhiên, những doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu, trúng thầu các dự án "đất vàng" thường là liên doanh hoặc doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm qua nhiều cuộc khủng hoảng của thị trường. Vì thế, lý do không đoán được những biến động của thị trường, vì chiến lược và tầm nhìn mang tính chất dài hạn nên chậm triển khai…là rất khó thuyết phục.
Trong cuộc họp báo cách đây vài tháng, TP và các sở ngành cũng đã chia sẻ quan điểm sẽ không cấp phép đầu tư mới cho chủ đầu tư các dự án nếu họ chưa hoàn thành dự án./.