Theo đó, UBND TP. HCM yêu cầu phương án tổ chức giao thông phải đảm bảo đáp ứng với quy mô dân số trong tương lai, đặc biệt là hệ thống giao thông không chia cắt khu quy hoạch thành nhiều khu đất nhỏ, khó bố trí các công trình thể dục thể thao diện tích lớn; bố trí và khai thác không gian ngầm phục vụ cho dự án cũng như cho người dân các khu vực xung quanh; đảm bảo kết nối với giao thông chính tại khu vực, trong đó có tuyến metro số 5.
Giao Sở Văn hóa và Thể thao, rà soát lại tất cả các cơ sở tập luyện, thi đấu do Sở quản lý để phát triển khu trường đua Phú Thọ thành khu đa chức năng, tập luyện thể dục thể thao.
Trước đó UBND TP. HCM cũng đã từng giao Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với quận 11 điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 khu vực còn lại (khoảng 360.000m2). Tuy nhiên, theo UBND quận 11, việc quản lý sử dụng đất tại khu vực 360.000m2 đang diễn biến phức tạp do tình trạng cho thuê mặt bằng kinh doanh các ngành nghề không đúng chức năng.
Trường đua Phú Thọ thuộc các tuyến đường Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt (quận 11) có diện tích 444.540 m2, được người Pháp xây dựng từ năm 1932. Ngoài 2 khu dân cư xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt và khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật, phần diện tích còn lại của trường đua Phú Thọ do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch quản lý. Đây là trường đua duy nhất tại Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời cũng là một trong những trường đua lớn nhất tại Châu Á thời bấy giờ.
Hiện nay, Việt Nam lên kế hoạch xây dựng và dự kiến có 8 trường đua ngựa tại Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng và Long An với kinh phí đầu tư từ hàng trăm cho đến cả tỷ USD.