Mới đây, Sở GTVT TP. HCM đã giao cho Khu quản lý giao thông đô thị só 1 làm chủ đầu tư dự án hình thành các khu vực đi bộ ở trung tâm thành phố. Đề án do Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - Đại học Việt Đức lập. Sở GTVT TP. HCM sẽ xem xét đề cương dự án và dự kiến hoàn chỉnh, trình UBND thành phố trước 30/4.
Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam - đơn vị lập quy hoạch về phát triển giao thông vận tải TP đến năm 2020 - cho biết khu phố đi bộ ở trung tâm thnh phố được định hình có chu vi 7,35km; tổng diện tích là 221ha.
Trong đó, bao gồm một số đoạn trên các tuyến đường: Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Hai Bà Trưng, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Lê Lợi và một số đường nhỏ khác ở Quận 1.
Không gian phố đi bộ được xác định nằm trong khu vực này có nhiều công sở, công trình văn hóa - dịch vụ như trụ sở UBND TP, Tòa án nhân dân TP, hội trường Thống Nhất, chợ Bến Thành, công viên Tao Đàn, Nhạc viện TP, công viên, Nhà hát lớn TP, Thảo cầm viên Sài Gòn, Đại học Y dược, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, các khách sạn...
Đặc biệt, sau khi đưa vào hoạt động, phố đi bộ sẽ không cho các xe cá nhân đi vào khu vực này. Vì vậy, trên các tuyến đường xung quanh như Nguyễn Thị Nghĩa, Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Hữu Cảnh sẽ có các bãi đỗ xe phục vụ nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó các tuyến xe buýt điện, monorail sẽ được sử dụng để đưa người dân và hành khách ra vào khu vực này.
Sở GTVT sẽ định hướng ưu tiên chọn một số tuyến đi bộ có điều kiện hình thành sớm như đường Nguyễn Huệ (đã đưa vào sử dụng) sẽ kết nối với đường Đồng Khởi về khu vực nhà thờ Đức Bà, đường Lê Duẩn, Lê Lợi...
Trong tương lai, khu vực này sẽ đưa vào hoạt động tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Việc xây dựng và hình thành các tuyến phố đi bộ mới dựa trên cơ sở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Xây dựng tuyến phố đi bộ sẽ được xem xét từ giá trị sinh lợi mà người dân nhận được, giá trị về sức mua tăng cao và tạo hiệu quả về phát triển kinh tế - xã hội.