VNDirect nêu ra 3 tác động dẫn tới kết quả trên:
Thứ nhất là do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, và lãi suất tăng.
Theo VNDirect, đối với bất động sản, các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động thêm nguồn vốn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn trầm lắng và lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng lên nhu cầu vay mua nhà.
Xuất khẩu, một trong những trụ cột tăng trưởng chính của Việt Nam, sẽ tăng trưởng chậm lại 5% trong năm 2023 (từ mức 10,5% trong năm 2022).
Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của họ trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.
Thứ hai, lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao. Mặc dù lạm phát toàn cầu đã có dấu hiệu đạt đỉnh, chuyên gia VNDirect nhận thấy lạm phát tại Việt Nam vẫn có thể duy trì mức cao do mức tăng tiền lương 20,8%, có hiệu lực từ tháng 7/2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng,…
Thứ ba, căng thẳng thanh khoản tại các ngân hàng cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng.
Về NIM, việc tăng mạnh lãi suất điều hành đã tác động trực tiếp đến lãi suất huy động của tất cả các kỳ hạn và các ngân hàng đều đã phải tăng lãi suất huy động với tốc độ tương tự.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay khó có thể theo kịp với chi phí huy động vốn tăng cao do NHNN đã và đang yêu cầu các ngân hàng thương mại duy trì mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.
Mặt khác, lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục dao động ở quanh vùng 5-6% cho kỳ hạn qua đêm trong những tháng sắp tới, do hệ quả của thanh khoản căng thẳng và chính sách tiền tệ thắt chặt.
Chuyên gia VNDirect cho rằng, việc lãi suất tăng mạnh mẽ nói trên sẽ tác động tiêu cực đến NIM của các ngân hàng khi chi phí vốn tăng cao.
"Chúng tôi tin rằng mọi thứ sẽ trở nên “nhẹ nhàng” hơn chỉ khi FED đưa ra những tín hiệu bớt “diều hâu” hơn và đồng USD hạ nhiệt. Hiện tại, FED dự kiến sẽ có thêm hai đợt tăng lãi suất nữa, sau khi đã tăng thêm 25 điểm cơ bản lên lãi suất điều hành vào đầu tháng 2 vừa qua. Do đó, căng thẳng này có thể kéo dài đến ít nhất là hết nửa đầu năm 2023", báo cáo viết.
Đối với TPBank, NIM của ngân hàng này cũng ghi nhận diễn biến không mấy tích cực do chi phí vốn tăng mạnh kể từ đầu quý 3/2022, trong khi lợi suất tài sản không đổi (trái phiếu doanh nghiệp gặp khó đã xóa bỏ đà tăng của lãi suất cho vay mua nhà).
Vì vậy, VNDirect cho rằng môi trường lãi suất cao sẽ tác động tiêu cực lên NIM của TPBank trong năm 2023.
Trước các trở ngại mà ngành ngân hàng nói chung và TPBank nói riêng gặp phải, chuyên gia VNDirect dự phóng, tăng trưởng lợi nhuận ròng của TPBank sẽ chậm lại trong giai đoạn 2023-2024 với tốc độ tăng là 16-18% so với cùng kỳ (Trong khi giai đoạn 2019-2021 tăng trưởng kép là 34%).
Trong đó kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng này đạt 10-12% trong hai năm tới (trong khi tăng trưởng kép 2020-2022 là 17%). Về NIM ngân hàng này cũng sẽ giảm khoảng 15 điểm cơ bản trong 2023, từ mức 4% 2022 và tỷ lệ chi phí tín dụng tăng lên mức 1,25% từ mức 1,1% trong 2022, theo VNDirect.
Tại báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 của TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 7.828 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với năm 2021. Mức lợi nhuận này đến từ việc gia tăng dịch vụ bảo lãnh và tài trợ thương mại để tăng thu nhập từ phí.
Tổng tài sản của ngân hàng này tính đến hết năm 2022 cũng ghi nhận tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, cán mốc gần 329.000 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong năm 2022 đạt trên 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 15,5% so với năm 2021. Lãi thuần từ dịch vụ đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, tăng gần 75% so với cùng kỳ.