Aa

TP.HCM: Áp lực tăng dân số, nhà ở xã hội thiếu trầm trọng

Thứ Năm, 29/08/2019 - 06:30

TP.HCM đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng dân số cơ học mạnh mẽ. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu về nhà ở xã hội đang được đặt ra đầy bức thiết.

Thiếu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp

Báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, dân số  của thành phố đang tăng trung bình mỗi năm 183.000 người. Báo cáo cũng chỉ ra, theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 100.000 người nước ngoài làm việc và thường trú tại thành phố.

Đặc biệt, hiện nay, xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chuyển dịch cơ sở sản xuất công nghiệp vào nước ta và TP.HCM, nên dự báo số lượng người nước ngoài lưu trú dài hạn sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê năm 2016 của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố có 1.675.810 căn nhà, với tổng diện tích sàn xây dựng 150,55 triệu m2. Điều này cho thấy nhu cầu về nhà ở đang được đặt ở trong tình trạng cấp bách.

Đặc biệt, đối với phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhu cầu này ngày càng trở nên bức thiết.

Theo khảo sát của Sở Xây dựng, thành phố có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (chiếm tỷ lệ 23,46% tổng số hộ). Trong đó, có khoảng 20.000 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức nhà nước chưa có nhà ở; có 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; có 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội; có khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, chỉnh trang hoặc di dời tái định cư.

(Ảnh minh họa)

Một khảo sát khác của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, có khoảng 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Trong các đối tượng khảo sát thì có đến 65% - 94% có nhu cầu thuê mua (mua trả góp dài hạn) nhà ở xã hội.

Trong khi đó, người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng hơn 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân, lao động, người nhập cư. Hàng năm có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới, có hơn 500.000 sinh viên đại học, cao đẳng. Hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ, nhất là loại căn hộ 1 - 2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn và được trả góp tối thiểu 15 năm.

Song thực tế lại đang đi ngược lại với nhu cầu mua nhà ở xã hội. Cụ thể, theo thống kê hiện nay, sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ (1 - 2 phòng ngủ) có giá vừa túi tiền (khoảng 2 tỷ đồng trở lại), nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá thấp đều "khiêm tốn" và thiếu trầm trọng.

Trong khi đó, giá nhà trên thị trường khá cao, gấp từ 20 - 25 lần so với thu nhập bình quân. Tính đến nay, Nhà nước chưa có chính sách tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, trước hết đối với người mua căn nhà đầu tiên. Ngoại trừ giai đoạn 2013 - 2016, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (thực chất đã giải ngân được đến 34.826 tỷ đồng) đã hỗ trợ cho 56.240 người có nhu nhập thấp được vay mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá dưới 1,05 tỷ đồng/căn; Chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 cũng chỉ mới hỗ trợ tín dụng thuê mua nhà được khoảng 1.000 tỷ đồng, trả góp trong 15 năm;

Riêng TP.HCM, chính quyền đang thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho một số đối tượng cán bộ công chức, viên chức nhà nước, với suất được vay lên đến 900 triệu đồng, lãi suất vay 4,7%/năm trong thời hạn 15 năm để mua nhà. Tuy nhiên con số này chưa đủ đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người có thu nhập thấp.

Kiến nghị giải quyết bài toán về nguồn cung nhà ở xã hội

Trước bức thiết về nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, HoREA đã có những kiến nghị đối với cơ quan nhà nước nhằm giải quyết bài toán về nguồn cung cũng như sự phát triển của nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số nhanh của TP.HCM.

Thứ nhất, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản - nhà ở. Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội và phát triển loại căn hộ vừa túi tiền.

Thứ hai, đề nghị thành phố xem xét, sớm giải quyết các vướng mắc về thủ tục lựa chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp; về thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 sau khi đã có "Quyết định chủ trương đầu tư"; về thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở; về việc xử lý đối với phần diện tích đất rạch, bờ đất, đường thuộc Nhà nước quản lý nằm xen cài trong dự án nhà ở, thường chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích dự án để khai thông ách tắc của thị trường bất động sản hiện nay.

Thứ ba, đề nghị thành phố sớm rà soát và hoàn thiện danh mục các dự án mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng đô thị, giao thông, phát triển khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Thứ tư, có chính sách "tạo điều kiện" về tín dụng cho người có thu nhập thấp đô thị để mua trả góp (thuê mua) nhà ở trong thời hạn tối thiểu 20 năm.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) chia sẻ tại hội thảo về phân khúc nhà ở bình dân diễn ra gần đây, nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng bức thiết khi cơ cấu dân số đang bước vào thời kỳ dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động, sự phát triển của các gia đình trẻ, nhu cầu tách hộ của các gia đình lớn...

Thứ năm, đề nghị sử dụng hiệu quả công cụ quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị - nhà ở theo hướng thực hiện đô thị nén, đô thị xanh, đô thị thông minh, tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh để thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở.

Thứ sáu, đề nghị quy hoạch phát triển các "khu đô thị bình dân", "khu nhà ở vừa túi tiền" trở thành đô thị vệ tinh có đầy đủ tiện ích, dịch vụ, tạo được một số việc làm tại chỗ và kết nối giao thông thuận tiện; sử dụng hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất công (thông qua đấu giá đất) và quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại để phát triển các dự án nhà ở xã hội, tăng nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu hụt hiện nay; đề nghị đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội.

Thứ bảy, đối với các quận ven và huyện thành, nên hạn chế việc phát triển các dự án nhỏ, trừ một số khu vực đặc thù; quản lý chặt chẽ hoạt động tách thửa và xử lý nghiêm hoạt động phân lô bán nền trái phép dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch đô thị, đầu cơ tạo các cơn sốt ảo giá đất, khó thu hút các nhà đầu tư lớn.

Thứ tám, đề nghị cho phép doanh nghiệp được phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top