Aa

TP.HCM cần 553.515 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông trong 5 năm tới

Thứ Hai, 17/05/2021 - 06:25

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM tính toán giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM cần hơn 553.515 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ.

Theo Sở GTVT TP.HCM, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, cầu, nút giao thông lớn...) trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030 có tổng mức đầu tư dự kiến 970.654 tỷ đồng.

Trước mắt, Sở GTVT TP.HCM đã xác định danh mục những công trình, dự án trọng điểm, cấp bách cụ thể sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025. Tổng vốn các dự án triển khai đầu tư giai đoạn này dự kiến 553.515 tỷ đồng.

TPHCM đối diện áp lực căng thẳng về hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ.
TP.HCM đối diện áp lực căng thẳng về hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ. (Ảnh: Minh Quân)

Riêng năm 2021, các công trình, dự án trọng điểm cấp bách dự kiến hoàn thành là: 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sửa chữa và nâng cấp tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh), cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), xây mới cầu Hang Ngoài (quận Gò Vấp), cầu Thủ Thiêm 2 (nối TP. Thủ Đức và quận 1)…

Các dự án kết nối vùng đã được lên danh mục cụ thể, gồm: cầu Cát Lái, đường trên cao đi dọc theo đường tỉnh 25C, vượt sông Đồng Nai; trục động lực kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài…

Theo Sở GTVT TP.HCM, xét đến liên kết vùng thì việc đầu tư, hoàn thiện đường Vành đai 3 là ưu tiên số 1. Đây là tuyến kết nối vùng và có vai trò rất quan trọng đối với TP.HCM. Nếu không phát triển Vành đai 3, quốc lộ 1 qua TP.HCM sẽ quá tải nghiêm trọng từ miền Đông sang miền Tây, đồng thời tạo ra điểm nghẽn trong giao thương của vùng. Điều này vô tình tác động, dẫn đến các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư như TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… không phát huy hiệu quả tốt.

Đường Vành đai 3 được phê duyệt 11 năm trước nhưng đến nay chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn dài hơn 16 km hoàn thành.
Đường Vành đai 3 được phê duyệt 11 năm trước nhưng đến nay chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc Bình Dương) dài hơn 16km hoàn thành. (Ảnh: Gia Minh)

Ngoài ra, nhiều dự án trọng điểm, cấp bách được lập, trình thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2021, gồm: Đường Vành đai: đoạn 2 (từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng); đoạn 4 (từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa); dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu).

Sở GTVT cũng đề xuất đầu tư 6 nút giao thông trong giai đoạn 2021 - 2025 gồm: An Phú, Mỹ Thủy, Gò Dưa, Linh Xuân, ngã tư Bốn xã và nút giao ngã sáu Công trường Dân Chủ.

Đồng thời, một số cây cầu có quy mô lớn vượt sông cũng được xây dựng, gồm cầu Thủ Thiêm 3 (nối quận 2 và 4) và Thủ Thiêm 4 (nối quận 2 và 7), cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ).

Hai tuyến đường trên cao sẽ được kêu gọi đầu tư, gồm: đường trên cao số 1 (từ nút giao Cộng Hòa, quận Tân Bình đến đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh); đường trên cao số 5 (đoạn nút giao trạm 2 - An Sương).

Tính đến hết năm 2020, tổng chiều dài các tuyến đường và cầu của TP.HCM đạt hơn 4.500km, mật độ hơn 2km mỗi km2 (tiêu chuẩn 10 - 13km mỗi km2) và chỉ có 1.800km có lòng đường rộng hơn 7m (chiếm 44%). TP.HCM hiện quản lý hơn 8,3 triệu xe (gần 7,5 triệu xe máy, hơn 785.000 ô tô)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top