Aa

TP.HCM: Công khai chính sách cho vay nhà ở xã hội

Chủ Nhật, 02/09/2018 - 20:01

TP.HCM sẽ phổ biến công khai việc cho vay thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội đến các đối tượng được thụ hưởng nhằm triển khai hiệu quả chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội trên địa bàn TP.

TP.HCM phấn đấu đến năm 2020, có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn nhà ở xã hội.

TP.HCM phấn đấu đến năm 2020, có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn nhà ở xã hội.

Nhằm triển khai hiệu quả chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM, UBND TP vừa giao Sở Xây dựng kịp thời cung cấp danh sách các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đang triển khai trong giai đoạn 2018 - 2019 và những năm tiếp theo trên địa bàn TP để tuyên truyền, phổ biến công khai việc cho vay thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội đến các đối tượng được thụ hưởng.

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP được giao đề xuất Trung ương bố trí vốn đầu tư phát triển để thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay nhà ở xã hội.

UBND TP sẽ xem xét phân bổ nguồn vốn hợp lý cho các quận, huyện để triển khai thực hiện cho vay trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được Trung ương giao, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội do Sở Xây dựng cung cấp và nhu cầu vay vốn về nhà ở xã hội của các quận, huyện.

Từ tháng 4/2018, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai chương trình cho vay mua nhà ở xã hội trên phạm vi toàn quốc với lãi suất 4,8%/năm. Ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết Ngân hàng Chính sách xã hội có khoảng 1.000 tỷ đồng để triển khai chương trình nhà ở xã hội.

Đối tượng được vay vốn của chương trình nhà ở xã hội là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Trừ đối tượng là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; các đối tượng còn lại để được vay vốn của chương trình nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội: Mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: Mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Thời hạn vay, tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

TP.HCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, và đến năm 2020, có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), năm 2017, thành phố có 92 dự án nhà ở thương mại với 42.991 căn hộ được đưa ra thị trường, gồm có 37.502 căn hộ chung cư, 5.489 căn nhà thấp tầng. Trong đó, chỉ có 12.495 căn hộ bình dân, chỉ chiếm tỷ lệ 29,1%, chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất lớn của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top