Aa

TP.HCM: Để sử dụng hiệu quả nguồn đất từ các bãi rác

Thứ Hai, 19/08/2019 - 16:30

Trung tuần tháng 8, lãnh đạo TP.HCM đã lắng nghe một doanh nghiệp đề xuất việc đưa toàn bộ rác ở 2 bãi rác lớn đã đóng cửa để xử lý và xây dựng khu đô thị xanh ngay trên diện tích hàng chục ha của 2 bãi rác này.

Về thực trạng các bãi chôn lấp rác, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, hiện thành phố có 5 bãi chôn lấp rác đã đóng cửa (ngưng tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt) theo quy định. 

Các bãi chôn lấp có thể khai thác, xử lý, trả lại hiện trạng đất ban đầu do đủ điều kiện xử lý các chất thải đã chôn lấp và sử dụng quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội. Trong 5 bãi kể trên thì 2 bãi có diện tích lớn đó là Gò Cát (quận Bình Tân) với 25ha, Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) với 40ha.

Theo ông Thắng, các nhà đầu tư tham gia dự án cải tạo, xử lý các bãi chôn lấp cần phải xử lý theo nguyên tắc tạo ra giá trị. Sau khi xử lý, mùn và đất có thể làm phân hữu cơ hoặc phân vi sinh. Các rác nhựa có thể sấy, làm khô, ép lại làm than đốt, vật liệu xây dựng.

“Trường hợp làm đúng thì bãi rác chôn lấp cũ sẽ đem lại nguồn thu tốt cho thành phố. Riêng quỹ đất, sau khi xử lý có thể đấu giá để phát triển kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch của địa phương đó. 

Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp xúc với một nhà đầu tư tham gia cải tạo bãi chôn lấp Gò Cát và 8 nhà đầu tư tham gia với bãi chôn lấp Đông Thạnh”, ông Thắng nói.

Cần thay đổi toàn diện cách xử lý rác thải

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hồng, Tổng giám đốc công ty TDH EcoLand đưa ra đề xuất cụ thể cho 2 bãi rác Gò Cát và Đông Thạnh. 

Về quy trình xử lý rác, ông Hồng cho biết sẽ đào móc toàn bộ lượng rác lên (thực hiện từng phần, sử dụng vi sinh không làm phát tán mùi hôi, phát sinh ô nhiễm) rồi làm khô. Qua nhiều bước phân loại, doanh nghiệp sẽ cho bóc tách rác hữu cơ, bùn đất để làm phân vi sinh; rác nhựa, túi nylon để làm hạt nhựa, sản phẩm nhựa tái chế; kim loại được nén lại đúc thành bánh...

Đối với số rác không tái chế, tái sử dụng được (chiếm khoảng 40%) sẽ được cho vào đốt theo công nghệ Nhật Bản, có điều chỉnh cho phù hợp với rác của Việt Nam. Lò hoạt động 24/24 với nhiệt độ đốt duy trì trên 1.000°C nên khói thải ra chỉ là khói trắng và dioxin cũng được xử lý triệt để. Sau khi đốt, phần xỉ sẽ được thu lại dùng làm gạch sử dụng cho các công trình ngầm...

“Nước rỉ rác công ty thu gom được sẽ xử lý đạt tiêu chuẩn, có thể dùng để rửa mặt được”, ông Hồng khẳng định. Ông cũng cho biết, đã khảo sát các bãi rác Gò Cát, bãi rác Đông Thạnh và nhận thấy ô nhiễm phát tán xung quanh cả bên ngoài bãi rác. Cùng đó, một diện tích đất giáp ranh các bãi rác này đang được người dân nuôi heo, chăn bò… và đang khá ô nhiễm.

Nếu được chọn, doanh nghiệp sẽ cho bóc toàn bộ rác chôn ở bãi rác Gò Cát và bãi rác Đông Thạnh để tái chế, tái sử dụng rồi xây dựng một khu đô thị xanh ngay bên trên bãi rác. Đây được cho là một đề xuất táo bạo và mới mẻ đối với TP.HCM.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, mỗi ngày TP.HCM phát sinh khoảng 9.000 tấn rác sinh hoạt. Hàng triệu tấn rác chỉ được chôn lấp mà chưa có thay đổi trong phương thức xử lý rác. 

Thành phố cần có kế hoạch toàn diện thay đổi cách xử lý nhằm giải phóng tài nguyên đất và xử lý ô nhiễm môi trường, vì đây là vấn đề được quan tâm rất nhiều. Để cải thiện điều này, TP.HCM phấn đấu trong các tháng 9, 10 tới sẽ khởi công 2 nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện, với công suất 2.000 tấn/bãi rác. Nếu làm tốt, đến năm 2025 có thể làm được bài toán xử lý 70 - 80% rác bằng công nghệ đốt phát điện.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top