Aa

TP.HCM đề xuất cho cán bộ công chức, viên chức được vay tối đa 600 triệu đồng mua nhà

Thứ Năm, 30/08/2018 - 14:51

TP.HCM đề xuất cho cán bộ công chức, viên chức được vay tối đa 600 triệu đồng mua nhà; Công viên Tuổi trẻ Thủ đô hoang tàn, bị “xẻ thịt” để kinh doanh; Bất chấp rủi ro pháp lý, Condotel tại Đà Nẵng vẫn tăng nguồn cung; Vốn FDI đổ vào bất động sản đạt 5,9 tỷ USD sau 8 tháng;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

TP.HCM đề xuất cho cán bộ công chức, viên chức được vay tối đa 600 triệu đồng mua nhà

Sở Tài chính TP.HCM đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan về việc nâng hạn mức cho vay đối với cán bộ công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách TP để trình UBND TP.HCM xem xét.

Dự kiến TP.HCM sẽ nâng hạn mức cho vay tạo lập nhà ở đối với người thu nhập thấp hưởng lương từ ngân sách TP từ 500 triệu đồng lên 600 triệu đồng/trường hợp khi vay vốn ưu đãi tại Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM.

Chương trình dành cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách thành phố gồm: Cán bộ, công chức, viên chức thuộc các sở, ban, ngành, quận, huyện; cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc khu vực hưởng lương từ ngân sách thành phố; lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân, công an nhân dân và dân quân tự vệ thuộc thành phố.

Theo quy định, mỗi cá nhân chỉ được vay tối đa 500 triệu đồng nhưng không quá 70% giá trị căn hộ. Thời hạn cho vay tối đa 15 năm. Lãi suất cho vay 4,7%/năm (lãi vay được tính theo dư nợ giảm dần).

Xem chi tiết tại đây

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Công viên Tuổi trẻ Thủ đô hoang tàn, bị “xẻ thịt” để kinh doanh

Công viên Tuổi Trẻ Thủ đô (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được đầu tư xây dựng với số tiền hàng chục tỷ đồng, từng được kỳ vọng là điểm văn hóa công cộng có không gian xanh của thành phố. Tuy nhiên, nhiều năm qua, khu vui chơi này lại rơi vào cảnh hoang tàn, nhiều diện tích bị “xẻ thịt” thành những công trình phục vụ mục đích kinh doanh.

Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô có tổng diện tích khoảng 26,43ha, được TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào năm 2000. Dự án được giao cho Công ty Thương mại và Đầu tư phát triển Hà Nội làm chủ đầu tư. Đến năm 2010, dự án tiếp tục được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Công viên được đầu tư xây dựng với hy vọng trở thành “lá phổi xanh”, nhằm phục vụ các hoạt động sinh hoạt công cộng, vui chơi của đông đảo người dân sinh sống trong khu vực.

Tuy nhiên, tại công viên mang nhiều sự kỳ vọng này, vẫn đang tồn tại một nghịch cảnh: Công viên rộng, hạng mục trò chơi hiện đại được lắp đặt nhưng lại bỏ hoang từ nhiều năm nay và đang xuống cấp trầm trọng. Hơn 10 năm qua, người dân không khỏi xót xa và nuối tiếc cho một dự án “xanh” đang dần hoang tàn và trở thành phế tích giữa lòng Thủ đô.

Theo khảo sát của PV Reatimes, dự án tồn tại nhiều điều bức xúc. Các thiết bị vui chơi như hệ thống ống trượt, máng trượt nước, vòng đu quay khổng lồ bị bỏ hoang trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô gây lãng phí.

Xem chi tiết tại đây

Bất chấp rủi ro pháp lý, Condotel tại Đà Nẵng vẫn tăng nguồn cung

Mặc dù có những lo ngại giao dịch một số sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng như Condotel sụt giảm do tính pháp lý chưa rõ ràng. Song báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Đà Nẵng mới đây của Savills Việt Nam cho biết, nguồn cung các sản phẩm này vẫn tăng.

Ghi nhận của Savills cho thấy, hiện đang có 109 khách sạn 3 - 5 sao với khoảng 12.900 phòng cung ứng ra thị trường. Dự báo, trong nửa cuối năm 2018, hơn 1.400 phòng khách sạn 3 - 5 sao sẽ gia nhập thị trường Đà Nẵng. Bởi, Đà Nẵng vẫn tiếp tục duy trì vị thế là điểm đến hàng đầu đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Nửa đầu năm nay, thành phố đón 4 triệu lượt khách du lịch, tăng 29% theo năm. Trong đó, khách quốc tế tăng 47% theo năm, đạt mức 1,6 triệu lượt.

Đáng chú ý là sản phẩm Condotel có tổng nguồn cung đến từ 15 dự án. Trong đó, quận Ngũ Hành Sơn dẫn đầu nguồn cung với 57% thị phần, hầu hết số căn đến từ chủ đầu tư Empire Group. Các dự án mới và giai đoạn mở bán tiếp theo sẽ cung cấp khoảng 1.570 căn ra thị trường.

Thị trường Condotel cũng ghi nhận sự tăng giá thời gian qua. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2018, giá bán sơ cấp trung bình đạt 2.100 USD/m2 (khoảng hơn 40 triệu đồng/m2), tăng 19% theo năm nhưng tỷ lệ hấp thụ đạt 86%, giảm 8% theo năm.

Xem chi tiết tại đây

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Kiểm soát điều chỉnh quy hoạch đô thị

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi các địa phương về việc tăng cường kiểm soát và báo cáo công tác quản lý quy hoạch đô thị, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị trong khu vực nội thành.

Chỉ đạo của Bộ Xây dựng là rất cần thiết trong tình hình hiện nay khi nhiều đô thị trên toàn quốc đang lâm vào tình trạng nêm chặt khu vực trung tâm. Dễ nhận thấy, tình trạng đáng lo ngại ở những đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng với dân số ngày càng tăng, phương tiện giao thông cá nhân ngày một nhiều, hạ tầng kỹ thuật không theo kịp thực tế phát triển.

Cần hiểu đây không phải là chiến lược tổng thể mà chỉ là giải pháp tình thế để cứu vãn, chống đỡ tình trạng mất cân bằng cho một số đô thị. Cần phải khẳng định sự mất cân bằng đó là hệ quả của sự thiếu kiểm soát các chỉ tiêu phát triển đô thị.

Không khó để mổ xẻ những tiêu cực này nhưng vì sao nó vẫn tồn tại và ngày càng quy mô hơn, bài bản hơn. Đâu là thủ phạm dẫn đến xu hướng đó? Cần phải thẳng thắn chỉ mặt đặt tên nó là lợi ích nhóm. Chỉ có lợi ích nhóm mới có thể làm biến dạng, què quặt, thui chột các đô thị.

Xem chi tiết tại đây

Vốn FDI đổ vào bất động sản đạt 5,9 tỷ USD sau 8 tháng

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sau 8 tháng, kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ hai về thu hút đầu tư với tổng vốn FDI đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tính đến ngày 20/8, cả nước có 1.918 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 13,48 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời, có 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,58 tỷ USD, bằng 87,2% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó có 4.551 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp gần 5,28 tỷ USD, tăng 50,9% so với cùng kỳ 2017.

Tính đến ngày 20/8/2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017. Như thường lệ, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực đứng đầu trong thu hút vốn FDI với 10,72 tỷ USD, chiếm 44% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,9 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,87 tỷ USD, chiếm 7,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Xem chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top