Mối lo này thực sự có cơ sở và được cảnh báo từ lâu cũng như đã có những dự án vắng bóng người sinh sống vì hạ tầng giao thông. Đơn cử như khu biệt thự Khang An tại quận 9, khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi phải trong cảnh hoang vắng dù hạ tầng giao thông trong khu dân cư rất hoàn hảo nhưng phía hạ tầng giao thông kết nối ngoài lại không như mơ khiến người dân khó khăn khi phải về khu dân cư sinh sống dẫn tới cảnh "bỏ của chạy thoát thân".
Tình trạng này cũng đang có nguy cơ diễn ra trên diện rộng. Đơn cử như tại đường Nguyễn Xí quận Bình Thạnh, tuyến đường chỉ dài khoảng 1km, rộng khoảng 5m kết nối ra bến xe Miền Đông hướng ra sân bay nhưng đang gánh 3 dự án bất động sản lớn. Nặng nề hơn đó là dù hạ tầng giao thông sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải thì tại đây lại mọc lên khá nhiều dự án bất động sản, đơn cử như trên đường Hồng Hà nối ra sân bay hiện có tới 6 dự án chung cư cao cấp đang xây dựng, song song đó là tuyến đường Hồng Hà dù chỉ dài chưa tới 1km và rộng khoảng 5m thì cũng gánh tới 5 dự án bất động sản.
Tại khu Đông, đường Đỗ Xuân Hợp quận 9 cũng đang gồng mình gánh 4 dự án bất động sản lớn lên tới gần 4.000 căn hộ. Tại khu Tây Bắc, tuyến đường kết nối là Cộng Hòa, Trường Chinh, luôn trong tình trạng kẹt xe cả ngày lẫn đêm, điều này dẫn tới cảnh thị trường nơi đây ảm đạn, chỉ phát triển đất nền giá rẻ chứ ít dự án chung cư dù quỹ đất còn rất nhiều.
Tại khu Nam, viễn cảnh “u ám” bởi hạ tầng đang “kẹt” dẫn tới thị trường năm 2016 trầm lắng.Năm 2017, dù được dự báo là nhiều thuận lợi nhưng lãnh đạo doanh nghiệp lại cho rằng gặp khó bởi hạ tầng.
“Cái sợ nhất đó là dự án được xây dựng, nhưng hạ tầng kết nối lại không đảm bảo nên khách hàng sẽ không tìm tới. Đơn cử như dự án Bella Villa tại khu Tây Bắc của chúng tôi, dù được triển khai xong pháp lý và đang xây dựng dự án nhưng vì hạ tầng giao thông không thuận lợi, đường xá xuống cấp không được tu bổ và tình trạng kẹt xe diễn ra phổ biến nên dự án chưa thể mở bán đúng hẹn đầu năm”, ông Trần Đức Vinh, Công ty Cổ phần Bất động sản Trần Anh Group cho biết.
Không chỉ dự án của công ty này gặp khó, những dự án lớn như River City trên đường Đào Trí quận 7 cũng vắng bóng khách hàng quan tâm bởi đường kết nối không thuận lợi.
Ông Nguyễn Huy Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng bất động sản BV Land lo ngại năm 2018 sẽ có nhiều khó khăn trong việc bán hàng và bung hàng của các doanh nghiệp địa ốc. Lý do ông Vũ đưa ra chính là hạ tầng giao thông và điểm chính là kẹt xe.
“Cái khó này được cảnh báo từ lâu, nhưng lại chưa được xử lý ngay từ đầu chính vì vậy ngày càng nghiêm trọng và năm 2018 doanh nghiệp sẽ gặp khó trong việc phát triển dự án. Đơn cử như một tuyến đường nhỏ mà có quá nhiều dự án được phát triển, chính vì vậy các dự án sẽ gặp khó trong việc mở bán. Để giải quyết vấn nạn này, theo tôi lãnh đạo thành phố cần yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư dự án cũng phải đầu tư hạ tầng giao thông kết nối để đồng bộ hóa hạ tầng giao thông, thoát khỏi cảnh hạ tầng "bó chân" doanh nghiệp và dự án”, ông Vũ nói.
Một vị Tổng Giám đốc của công ty bất động sản lớn tại TP.HCM cũng chung lo ngại với ông Nguyễn Huy Vũ. Vị Tổng Giám đốc này cho biết quỹ đất phát triển dự án mỗi lúc một khan hiếm, những quỹ đất lớn thì lại nằm trên những tuyến đường giao thông không thuận lợi, chính vì vậy phát triển dự án mà hạ tầng không thuận lợi thì doanh nghiệp khó bán hàng, mà không phát triển thì không có dự án bán cũng như việc vốn bị "chôn chân" cùng đất sẽ gây cảnh khó khăn cho doanh nghiệp.
“Mỗi năm, TP.HCM có thêm khoảng 15% dân số từ nguồn sinh viên về học, lao động và người nhập cư. Đây là nhu cầu lớn cho thị trường nhưng cũng là điểm yếu vì lượng người tăng nhanh mà hạ tầng không đồng bộ dẫn tới cảnh kẹt xe ngày một nghiêm trọng. Để giải quyết vấn nạn này, theo tôi phải có một giải pháp gốc đó là giãn dân, nếu thành phố chỉ xây cầu vượt, hầm chui mong giải quyết kẹt xe thì khó thành công bởi đây chỉ là giải pháp tình thế”, vị Tổng Giám đốc nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc phát triển đô thị phải song hành cùng hạ tầng giao thông. Trước đây, TP.HCM chỉ thiết kế cho khoảng 3 triệu người sinh sống nhưng giờ đã phát triển lên hơn 10 triệu người, chính vì vậy mà hạ tầng giao thông cũ không đáp ứng được nhu cầu thực tế. TP.HCM đã có nhiều giải pháp giao thông công cộng như xây dựng tuyến xe buýt, đường cao tốc trên cao… để giải quyết vấn đề người dân tăng quá nhanh, nhưng quy hoạch vẫn còn yếu kém và phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước.
“Chính vì vậy, để thị trường không gặp khó, chính các doanh nghiệp phải tham gia bắt tay phát triển hạ tầng giao thông khi thực hiện dự án”, ông Châu nói.
Ông Ban Gray Mrics, Giám đốc Đầu tư Cushman và Wakefiel Việt Nam cho rằng để thị trường bất động sản TP.HCM phát triển mà không gặp khó vì hạ tầng giao thông thì chính quyền thành phố phải tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ để phát triển hạ tầng giao thông, hợp lý hóa các quy phạm pháp luật đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước, thậm chí khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối dự án bất động sản vì hiện có những doanh nghiệp xin được phát triển hạ tầng giao thông kết nối dự án như Công ty Cổ phần đầu tư kinh đoanh địa ốc Hưng Thịnh xin được xây dựng hầm chui Hoàng Văn Thụ quận Tân Bình…
Đặc biệt, năm 2018 UBND TP.HCM cho biết sẽ có giải pháp trong việc giảm tải ùn tắc giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ, đường xuyên tâm, nhất là khu vực cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất, lãnh đạo Thành phố đã mời các chuyên gia, nhà khoa học phân tích tìm ra giải pháp tích cực để khắc phục tình hình, tổ chức đầu tư cầu vượt, xử lý cục bộ khu vực…
“Năm 2018 TP.HCM tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2018 các công trình trọng điểm. Khẩn trương, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án át tuyến đường sắt đô thị. Tăng cường đầu tư, phát triển, tạo bước đột phá bước đầu hệ thống giao thông đường thủy trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách đường thủy, giảm ùn tắc giao thông đường bộ”, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.
Cũng theo ông Phong thì trong năm 2018, TP.HCM sẽ nâng diện tích đường tăng thêm là 277,603m2, xây dựng mới 8 cây cầu và tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt tối thiểu 9,2% đất đô thị thành phố. Tiếp tục kéo giảm đến mức thấp nhất và hạn chế tối đa ùn tắc giao thông trên địa bàn.