Ảnh minh họa.
Từ năm 2009, vùng trồng rau muống nước thuộc xã Bình Mỹ, H. Củ Chi, TP.HCM đã được Sở NN&PTNT TP.HCM chọn là một trong 5 điểm triển khai dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP) do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ. Dự án triển khai trong 5 năm, từ 2009 - 2014 với tổng kinh phí hơn 5,5 tỷ đồng. Đến nay, dự án này đã kết thúc hơn hai năm, nhiều công trình đã thành hình nhưng chỉ để “cho có”.
Trong cái nắng gay gắt tháng năm, chúng tôi theo chân những nông dân trồng rau muống nước của xã đi thu hoạch rau. Sau khi đã chất rau lên chiếc xe cút kít tự chế, anh nông dân tên Thành (quê ngoài Bắc thuê đất trồng rau) còng lưng đẩy nhanh lên bờ ruộng, đưa đến gần khu chòi của mình, vợ anh đã đợi sẵn, xếp rau lên thùng nhựa, chị dùng một dây nước tưới mạnh lên những bó rau cho sạch bớt đất bùn rồi mới đưa ra chợ.
Hỏi chị, sao không đưa đến nhà sơ chế để rửa cho sạch hơn. Chị chua chát: “Ôi trời, mang tiếng là vùng sản xuất rau an toàn (RAT) được đầu tư tiền tỷ nhưng chúng tôi có được thụ hưởng gì từ dự án này đâu. Tất cả mình phải tự làm tất, từ đầu tư trang thiết bị, tìm nguồn nước sạch… Lúc đầu thấy cán bộ thành phố về triển khai dự án, chúng tôi hồ hởi lắm, ai cũng mừng vì nghe bảo tham gia làm rau an toàn thì sau này sẽ có thương hiệu, bán cho các doanh nghiệp, siêu thị. Rồi thấy có người đến dựng nhà sơ chế, đài phun nước, làm cầu, làm đường. Nhưng làm để đó cho có chứ chẳng thấy đưa vào sử dụng bao giờ”.
Ông Ba (ấp 5) còn nhiệt tình đưa đưa chúng tôi tận mắt chứng kiến những công trình tiền tỷ dành riêng cho dự án RAT. Sau khi dự án kết thúc, ấp 5 có một con đường trải nhựa dài 1,5km, rộng 3,5m; bốn cây cầu bê-tông dài 10m, rộng 3,5m; ba nhà sơ chế diện tích 6m 2 /cái, hai đài phun nước. Ông Ba lắc đầu nói: “Cánh đồng rau muống nước an toàn này rộng 13ha với 42 hộ tham gia. Vậy mà số lượng cơ sở vật chất hạn chế như vậy thì ai dùng, ai không”.
Nhưng, điều nói ở đây chính là: Các cơ sở vật chất này đang trong tình trạng “chết lâm sàng”. Bởi, tuyến đường trải nhựa mới sử dụng hơn năm nay đã xuống cấp, đường nứt toác trơ đá lởm chởm, nhà sơ chế vừa nhỏ, vừa ít nằm bơ vơ được người nông dân dùng làm nơi tắm giặt, phơi quần áo là chính, còn vòi phun nước để sơ chế rau vàng khè, nhiễm phèn thì chẳng hộ nào dám dùng để rửa rau. Ông Ba tiếp lời: “Xã này còn có chừng chục cái khay nhôm để nông dân đựng rau khi sơ chế vứt chổng chơ ở văn phòng ấp, các khay này cũng đang mục gỉ”.
Anh Như (10 năm trồng rau muống nước) thở dài ngao ngán: “Mang tiếng là vùng RAT nhưng chúng tôi vẫn phải tự lực 100% từ sản xuất, tìm nguồn nước sạch đến khâu phân phối, tiêu thụ. RAT nhưng không có thương hiệu thì siêu thị nào dám mua. Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất kiểu làm cho có, xong dự án thì “đem con bỏ chợ”. Vừa tốn tiền vừa mất lòng tin ở bà con nông dân”.
Theo tìm hiểu của PV, dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học gồm sáu tiểu dự án được đầu tư bằng nguồn vốn QSEAP tổng trị giá hơn 56 tỷ đồng gồm: vùng RAT ấp Bàu Trăn, xã Nhuận Đức, H. Củ Chi, HTX Tân Phú Trung và HTX Phước An; vùng RAT ấp Tào Láo Trung, xã Trung Lập Hạ, H. Củ Chi; vùng rau muống nước ấp 5, xã Bình Mỹ, H. Củ Chi; vùng RAT ấp Bàu Điều Thượng; xã Phước Thạnh, H. Củ Chi.
Theo đó, rất nhiều cơ sở vật chất sẽ được đầu tư trong dự án này như bệnh viện cây trồng để giám định sinh vật hại, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống điện hạ thế, hệ thống tưới phun, chỗ xử lý chất thải và ủ phân…
Tuy nhiên, nhiều nơi dự án đã kết thúc nhưng các tiêu chí trên vẫn còn nằm trên giấy; hoặc đã có thì người dân cũng không được hưởng lợi gì. Các nông dân cho biết, họ đã nhiều lần phản ánh, nêu ý kiến với xã, huyện hoặc các đoàn thành phố đến khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Trong tuần qua, PV cũng đã liên hệ với lãnh đạo Sở NN&PTNT TP.HCM, gửi câu hỏi nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.
Ngày 13/5, Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM đã hướng dẫn tiểu thương chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức các quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm. Tại đây, nhiều tiểu thương rất bất ngờ khi được biết đơn vị cung cấp hàng phải cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho người kinh doanh.
Tại đây, các tiểu thương đã ký bản cam kết về việc thực hiện quy định kinh doanh an toàn. Dịp này, Chi cục cũng đã tiến hành lấy mẫu măng và sả bằm để kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
|
Theo Báo Tiền Phong