Được biết, tính đến nay, TP.HCM đã và đang triển khai 153 dự án theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư 451.000 tỷ đồng; trong đó 23 dự án đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 71.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2004 - 2015, thành phố có 18 dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO, BOO đã hoàn thành và đang được triển khai với tổng mức đầu tư hơn 59.000 tỷ đồng; trong đó lĩnh vực giao thông chiếm 15 dự án, tiêu biểu như dự án cầu Phú Mỹ (hợp đồng BOT, vốn gần 2.914 tỷ đồng), cầu Sài Gòn 2 (vốn 1.827 tỷ đồng)...
Bên cạnh các dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng, hiện có 130 dự án đang thực hiện theo hình thức PPP với tổng vốn đầu tư dự kiến 380.947 tỷ đồng.
Mặc dù số lượng các dự án PPP chỉ chiếm 5% số dự án đầu tư công của thành phố nhưng nguồn vốn huy động từ các dự án này lại rất lớn, gấp 5 lần nguồn lực đầu tư công giai đoạn 2011- 2015.
Giai đoạn 2006 – 2020, nhu cầu đầu tư của thành phố lên đến 850.000 tỷ đồng, trong khi ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được 20%.
"Chỉ tính riêng lĩnh vực giao thông, môi trường, giải quyết tình trạng ngập nước (chưa tính đến chương trình chỉnh trang đô thị) đã chiếm hơn 500.000 tỷ đồng, nhưng ngân sách thành phố cũng chỉ mới đáp ứng được 31,8%”, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thêm.
Để thu hút tốt các nguồn vốn đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu cho UBND thành phố các tiêu chí của từng loại dự án tham gia PPP để làm cơ sở lựa chọn cho phương thức đầu tư, các dự án đầu tư công.
Để tăng tính công khai minh bạch, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM mở một chuyên mục riêng trên trang website của sở về nhu cầu đầu tư công của thành phố, trong đó thông tin cụ thể về danh mục các dự án PPP đang kêu gọi đầu tư, các dự án đầu tư công chuyển sang PPP để các nhà đầu tư nắm đầy đủ thông tin.