Aa

TP.HCM không tăng giá đất năm 2022

Thứ Năm, 09/12/2021 - 18:43

Chiều 9/12, tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã thống nhất giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất như năm 2021. Đây là năm thứ 4 TP.HCM không thay đổi hệ số điều chỉnh giá đất.

Theo UBND TP.HCM, nhiều năm qua, thành phố đã nỗ lực điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất để từng bước tiệm cận với giá thị trường. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay, đặc biệt là trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng rất nặng nề đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP; ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn.

Bên cạnh đó, dịch đã tác động lớn đến kinh tế- xã hội của TP và ảnh hưởng trực tiếp các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Việc điều chỉnh tăng cục bộ một số khu vực sẽ dẫn đến so bì, khiếu nại của người sử dụng.

Hiện nay, hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 ở TP.HCM cao nhất là 2,5 lần so với bảng giá đất UBND TP ban hành ở khu vực một. Hệ số thấp nhất là 1,5 lần ở khu vực năm. Đất của hộ gia đình, cá nhân có hệ số 1,5 lần cho tất cả khu vực.

Hệ số điều chỉnh giá đất ở TP.HCM được đánh giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Đơn cử, theo bảng giá đất giai đoạn 2020-2025 được UBND TP.HCM ban hành, giá đất đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi (Quận 1) là 162 triệu đồng/m2. Mức này nhân 2,5 lần (hệ số khu vực một), giá đất ở 3 tuyến đường hơn 400 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường hiện khoảng 800 triệu đồng/m2.

Hệ số điều chỉnh giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành, được dùng để tính giá đất. Mỗi năm hệ số này thay đổi phù hợp điều kiện phát triển địa phương. Người được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng ngoài hạn mức phải đóng tiền theo hệ số điều chỉnh hàng năm...

TP.HCM phân làm 5 khu vực để áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất. Khu vực 1 là quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận; khu vực 2 gồm:  TP Thủ Đức, quận 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú; khu vực 3 là quận 8, 12, Bình Tân; khu vực 4 gồm huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn. Huyện Cần Giờ được xếp vào khu vực 5.

Hệ số điều chỉnh giá đất ở TP.HCM được đánh giá thấp hơn nhiều so với thị trường

Trước đó, trong quá trình lấy ý kiến, liên Sở Tài chính – Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã đưa ra 2 phương án: giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất như năm 2021 và tăng 0,5%. Trong 27 đơn vị có ý kiến, hầu hết đơn vị liên quan đồng tình phương án 1. Do đó, liên sở đề nghị TP.HCM chọn phương án giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất cho năm tới.

Đáng chú ý, mặc dù đã lấy ý kiến UBND các quận, huyện trước khi ban hành, thế nhưng hệ số điều chỉnh giá đất đối với đất nông nghiệp tại TP.HCM được đánh giá là vẫn chưa phù hợp tại một số khu vực cụ thể.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Hà Nội và TP.HCM được coi là khu vực đô thị đặc biệt, cho phép mức tăng giá đất tối đa không quá 30%. Năm vừa rồi, năm đầu tiên của giai đoạn 5 năm (2020 -2024), TP.HCM quyết định không tăng 30% theo quyền hạn mình có được. Ông Châu cho rằng đó là sai lầm, dẫn đến giá đất của TP.HCM hiện tại thấp hơn giá đất giai đoạn 5 năm trước (2015 - 2019). Vì lý do này mới có việc hệ số K thay đổi rồi vẫn không phù hợp, phải lấy ý kiến điều chỉnh tiếp.

Chủ tịch HoREA đánh giá, hiện giá đất quy định trong bảng giá đất vẫn thấp hơn giá đất thị trường từ 30 - 50%. Không chỉ ở các tuyến đường ở trung tâm thành phố, mà đất nông nghiệp ở các khu vực khác cũng có giá giao dịch cách rất xa giá theo quy định của nhà nước, kể cả sau khi đã áp hệ số K.

Thời gian qua, mặc dù TP.HCM mới ban hành hệ số điều chỉnh giá đất riêng cho từng khu vực nhằm giải quyết thỏa đáng tương đối cho người dân nhưng giá đất tăng vọt, khoảng cách giữa giá đất theo nhà nước quy định và giá theo thị trường ngày càng cách xa. Điều này khiến việc áp giá bồi thường theo hệ số điều chỉnh giá đất đối với các dự án công hiện nay rất bất hợp lý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top