Theo đó, UBND quận-huyện đến quý IV/2017, phải hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đối với các trường hợp đủ điều kiện. Đối với các quận, huyện có số lượng hồ sơ nhiều thì chủ động xây dựng phương án tuyên truyền, tổ chức cho người sử dụng nhà, đất kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận tại UBND xã, phường, thị trấn mà không chờ người sử dụng đất đến làm thủ tục theo nhu cầu.
Sở Tài nguyên và Môi trường cần thành lập Đoàn công tác hỗ trợ, giải quyết vướng mắc, khó khăn; theo dõi tiến độ thực hiện kế hoạch cấp giấy chứng nhận với số liệu, chỉ tiêu cụ thể cho từng quận, huyện.
Đối với việc cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì thẩm định hồ sơ, đối chiếu quy hoạch để xác định thời hạn sử dụng đất; kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp không đăng ký đất đai; xác định đơn giá thuê đất.
Ngoài ra, các trường hợp chuyển quyền sử dụng đất bằng giấy tay sau ngày 1/7/2004 sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận theo Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ.
UBND TP cũng yêu cầu khi thực hiện kê khai, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, ký hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận phải sử dụng bản đồ địa chính số và các tại liệu đã đo đạc có liên quan nhằm giảm tối đa chi phí đo đạc cho người sử dụng đất và ngân sách nhà nước; đồng thời rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ.
Trường hợp đăng ký và chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, nếu tài sản gắn liền với đất chưa có bản đồ, bản vẽ thì tổ chức đo vẽ để xác định. Đối với các trường hợp khu đất có giá trị từ 30 tỷ đồng trở lên đã được Cục Thuế TP xác định “tạm” đơn giá thuê đất trả tiền hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cục Thuế TP hoàn tất việc xác định đơn giá thuê đất để người sử dụng đất nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước…