Aa

TP.HCM: Nhà ở xã hội bị hét giá chênh khủng chưa từng có

Thứ Ba, 19/05/2020 - 16:22

Dự án nhà ở xã hội tại số 324 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP.HCM, được giới thiệu là khu căn hộ và thương mại cao cấp xuất hiện thông tin bán chênh lệch lên đến 600 triệu/căn hộ.

Đất quốc phòng thành dự án nhà ở xã hội, gắn mác cao cấp

Theo tìm hiểu của Reatimes, khu đất số 324 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP.HCM, diện tích gần 2ha, có nguồn gốc là đất quốc phòng. Ngày 16/01/2018, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 179/QĐ-UBND chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng sang đất nhà ở và giao cho Công ty Cổ phần Đức Mạnh sử dụng, để thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Thông tin từ Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho hay, theo Quyết định chấp thuận đầu tư, dự án nhằm góp phần tạo quỹ nhà ở xã hội cho cán bộ, nhân viên thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng, đủ điều kiện theo quy định và cho các đối tượng đủ điều kiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại TP.HCM.

Theo đó, chủ đầu tư sử dụng vốn tự có, vốn vay, vốn huy động từ tiền ứng trước của khách hàng để đầu tư xây dựng khu dân cư theo quy hoạch được duyệt để bán, cho thuê nhà ở xã hội cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về nhà ở phù hợp quy định của pháp luật. Dự án có tầng cao xây dựng tối đa 25 tầng, hệ số sử dụng đất 7,0 lần (thương mại dịch vụ 0,5 lần, căn hộ ở 6,5 lần).

Công ty Đức Mạnh là chủ đầu tư Dự án Khu phức hợp Lý Thường Kiệt, tại số 324 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP.HCM.

Hiện tại, thông tin từ website của Công ty Cổ phần Đức Mạnh (https://ducmanhgroup.com) giới thiệu, đây là dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 3.017 tỷ đồng. 

“Dự án Lý Thường Kiệt là công trình xây dựng khu căn hộ và thương mại cao cấp. Tổng diện tích đất của dự án là 19.240m2. Công trình sẽ bao gồm 6 khối nhà cao từ 27 đến 32 tầng với 2 tầng hầm. Khối đế cao 4 tầng dành cho trung tâm thương mại và dịch vụ cao cấp. Khối tháp cao 24, 28, 32 tầng dành cho căn hộ và căn hộ penthouse ở tầng trên cùng”, trích thông tin từ website.

Theo đánh giá của giới đầu tư bất động sản, dự án Khu phức hợp Lý Thường Kiệt của Đức Mạnh là dự án có vị trí cực kỳ đắc địa. Hiện đã có hàng ngàn người muốn tìm hiểu để mua nhà ở xã hội ở vị trí này, nhưng không biết có giành được suất mua hay không. Dự án này còn gây xôn xao dư luận khi gần đây xuất hiện thông tin có người rao bán kín các căn hộ trao tay với giá chênh từ 300 - 600 triệu đồng.

Coi chừng đất công thành “miếng mồi” cho các đối tượng trục lợi

Trục lợi từ nhà ở xã hội là câu chuyện không còn mới, nhưng đang ngày càng tinh vi hơn. Trong đó, có thể kể đến các hình thức như: Mua bán sai đối tượng, bán chênh lệch ngoài hợp đồng hoặc chia ra làm 2 hợp đồng để thu tiền, nhằm né khống chế biên lợi nhuận 10%.

Điển hình cho sai phạm liên quan đến trục lợi nhà ở xã hội có thể kể tới sự việc của chung cư An Trung 2 (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà), do liên danh Công ty CP Đức Mạnh và Công ty CP Đầu tư - Xây dựng 579 (Liên danh DMC - 579) làm chủ đầu tư. Ngày 24/12/2019, Thanh tra TP. Đà Nẵng đã có Thông báo 924/TB-TTTP về kết quả thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác xét duyệt, quản lý và sử dụng nhà ở xã hội, tại dự án này. Qua đó, Thanh tra TP. Đà Nẵng phát hiện 80 trường hợp mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng.

Dự án có 324 căn hộ nhưng liên doanh DMC - 579 nhận được 553 trường hợp đăng ký mua nhà ở xã hội, Sở Xây dựng không duyệt và loại trừ 229 trường hợp. Theo giải trình của Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, có 82/126 trường hợp nêu trên có nhà, hồ sơ không đủ điều kiện, nộp hồ sơ sau ngày xét duyệt, rút đơn vì không có nhu cầu.

Gần đây xuất hiện thông tin có người rao bán kín các căn hộ trao tay tại dự án số 324 Lý Thường Kiệt với giá chênh từ 300 - 600 triệu đồng

Tuy nhiên, Đoàn thanh tra đối chiếu với chi nhánh Văn phòng đất đai cho thấy, 57 trường hợp trên chỉ có đất trống không có nhà nên Đoàn thanh tra tiếp tục đề nghị Sở Xây dựng giải trình rõ cơ sở loại 57 hồ sơ; 44/126 trường hợp loại (không duyệt). Sau 2 lần giải trình của Sở Xây dựng, Đoàn thanh tra cho rằng Sở Xây dựng trước sau không thống nhất, thiếu cơ sở pháp lý.

Kết luận thanh tra chỉ rõ trong quá trình thực hiện công tác xét duyệt, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại chung cư An Trung 2, Sở Xây dựng và Liên doanh DMC - 579 mắc các tồn tại, thiếu sót như sau: Xét duyệt một số hồ sơ không có giấy tờ chứng minh đúng đối tượng; xét duyệt cho các đối tượng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn của người mua NƠXH, như: đã sở hữu nhà ở, chịu thuế thu nhập cá nhân…

Qua xác minh về thuế thu nhập cá nhân, Thanh tra TP. Đà Nẵng phát hiện có 208 trường hợp có mã số thuế, Cục thuế TP. Đà Nẵng xác nhận có 95 trường hợp có thu nhập cao. Trong đó có 52 trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân (32 trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân cả 2 năm 2017 - 2018; 7 trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân năm 2017; 13 trường hợp chịu thuế năm 2018).

Thanh tra TP. Đà Nẵng cũng đề nghị Công an TP. Đà Nẵng rà soát, xác minh 15 trường hợp đang công tác tại đơn vị thuộc Công an TP. Đà Nẵng, kết quả có 2 trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân năm 2018, 13 trường hợp không chịu thuế thu nhập cá nhân. Bên cạnh đó, Đoàn thanh tra cũng xác minh và cho biết có 46 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động kê khai cho Đoàn thanh tra và kê khai trên hồ sơ xin mua nhà ở xã hội không đúng thực tế về nhà, đất, thu nhập của từng cá nhân tại thời điểm mua nhà ở xã hội.

Với trực trạng đó, việc đảm bảo bán nhà ở xã hội đúng đối tượng, không bán chênh lệch thông qua 2 hợp đồng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Đức Mạnh, Sở Xây dựng TP.HCM cũng như cơ quan thuế và công an.

Người mua cần cảnh giác với các rủi ro pháp lý

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định cũ trong Luật Nhà ở vào năm 2005, Nghị định 71 và Nghị định 188 về nhà ở xã hội có quy định việc giao đất quốc phòng để thực hiện các dự án nhà ở cho bộ đội thì không cần phải thông qua đấu giá, đấu thầu.

Tuy nhiên, đến Nghị định số 100 Luật Nhà ở mới ban hành vào 2014 thì không còn cho tồn tại hình thức giao đất như trên. Tại Nghị định này, Bộ Quốc phòng không được giao đất trong nội bộ, các dự án nhà ở xã hội chung đều bắt buộc phải đăng ký theo quy định. Nếu là đất ở thì thực hiện đăng ký theo luật, nếu không phải đất ở thì theo quy trình phải thông qua đấu giá, đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư uy tín.

Cũng theo luật sư Phượng, các dự án nhà ở xã hội thường có xu hướng bán chênh do bị khống chế biên lợi nhuận 10%. Để lách luật, có thể các chủ đầu tư sẽ chuyển cho các đơn vị môi giới bán ra với các khoản tiền chênh từ 100 - 300 triệu, chi phí này thường được hợp thức hóa bằng một hợp đồng trả phí tư vấn. Những trường hợp giao dịch như trên cũng dễ dẫn đến nguy cơ nhà ở xã hội bán sai đối tượng. Khi ấy, người mua và người bán đều có thể gặp rủi ro khi Thanh tra thành phố vào cuộc xử lý.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top