Theo đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu về việc chuyển đổi và hình thành khu công nghiệp tại khu vực huyện Bình Chánh; đề xuất điều chỉnh quy hoạch toàn bộ khu vực Phạm Văn Hai để hình thành một khu vực sản xuất công nghiệp tập trung tại đây cũng như đề xuất việc đầu tư giao thông, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ đô thị đồng bộ với việc lựa chọn nhà đầu tư có nguồn lực khi thực hiện quy hoạch xây dựng toàn bộ khu vực này.
Riêng việc cân đối quy hoạch đất rừng, đất nông nghiệp đề xuất chuyển đổi bổ sung và thay thế các diện tích tương ứng cần được xem xét kỹ, đảm bảo các chỉ tiêu đã được phân khai đất trồng rừng đúng quy hoạch được duyệt; đề xuất ngành nghề dự kiến để thu hút đầu tư cũng như các chuyên gia, cư dân đô thị phát sinh, hệ thống hạ tầng xã hội cần có.
UBND TP cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung khu 270,9ha vào danh mục quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Đáng chú ý là sẽ dành 300ha đất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.
Đối với hai khu đất tại huyện Củ Chi, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP cân nhắc kỹ việc chuyển đổi thành khu công nghiệp; đánh giá tác động đến môi trường, hiệu quả kinh tế so với chi phí đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội kế cận gắn với khu đất cũng như khả năng thu hút đầu tư.
Ngoài ra, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng được giao nghiên cứu đề xuất của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP về bổ sung 2 vị trí tại huyện Bình Chánh (270,9ha) và huyện Củ Chi (163ha) vào danh mục các khu công nghiệp TP; đề xuất của UBND huyện Củ Chi về việc đưa ra khỏi quy hoạch Cụm công nghiệp Tân Quy A (xã Trung An), Cụm công nghiệp Tân Quy B (xã Tân Thạnh Đông) và sớm điều chỉnh quy hoạch đồng bộ khu dân cư trong khu vực và đề xuất của Sở Công Thương về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TPHCM đến năm 2020, định hướng đến năm 2030".
Theo giới phân tích, bên cạnh các thị trường truyền thống, bất động sản khu công nghiệp hiện đang là sân chơi hút khá nhiều nhà đầu tư mới, kéo theo đó là hạ tầng giao thông, nhà ở cho công nhân, nhu cầu về cơ sở kho hàng, thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ là thị trường mới và nổi bật trong năm 2018.
Trước đó, theo báo tại thị trường TP.HCM của CBRE, trong quý I, giá thuê đất khu công nghiệp tăng 3% so với cùng kỳ năm trước được ghi nhận tại khu vực phía Nam và phía Tây của TP.HCM. Các khu công nghiệp này có tỷ lệ lấp đầy cao. Các khu vực khác có giá thuê ổn định.
TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nhờ có vị trí và cơ sở hạ tầng tốt. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại các tỉnh được cải thiện. Nguồn cầu tiếp tục đến từ các ngành sản xuất, hậu cần, FMCG và điện tử. Chi tiêu tiêu dùng tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh và sẽ tiếp tục trong các năm tới, đặc biệt đối với thương mại điện tử.
Những nhà bán lẻ lớn trên nền tảng mạng internet từ Trung Quốc đã xâm nhập thị trường Việt Nam như Alibaba, JD.com và Tencent. Sự mở rộng của các mô hình bán lẻ hiện đại từ các doanh nghiệp quốc tế như Lotte và Aeon đi kèm với sự tăng lên của hệ thống cửa hàng tiện lợi là những yếu tố kích cầu chính cho thị trường nhà kho.