Aa

TP.HCM: Nhiêu khê cấp “sổ hồng“, hơn 81.000 khách hàng đang “ngóng“

Thứ Tư, 16/08/2023 - 16:15

Có đến 81.085 căn hộ được khách hàng đã mua và vào ở khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa được cấp "sổ hồng". Đáng nói, thời gian qua dù Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã đưa ra các giải pháp tháo gỡ.

Lên kế hoạch "giải cứu" việc nợ "sổ hồng"

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, từ đầu tháng 5 năm nay, Sở đã lên kế hoạch "giải cứu" cho các căn hộ nói trên. Để xác định rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, bộ phận, Sở chia 81.085 căn hộ này ra thành 6 nhóm để xử lý.

Theo đó, nhóm 1 có 47 dự án với 8.159 căn hộ, được xem là "nhẹ nhất" do không có vướng mắc về pháp lý, hiện chỉ chờ xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Sau khi có thông báo hoàn thành nghĩa vụ của cơ quan thuế, Sở cam kết sẽ cấp "sổ hồng" ngay cho dân.

Đối với nhóm 2, có 30.061 căn chưa cấp sổ do doanh nghiệp dự án chậm nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ, Sở sẽ tổ chức làm việc với các doanh nghiệp để làm rõ nguyên nhân vì sao chậm nộp hồ sơ. Đối với các đơn vị chây ì, không nộp hồ sơ mà không có lý do chính đáng, sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời công bố danh sách các đơn vị này lên Cổng thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường để người dân, doanh nghiệp biết.

Bất kỳ một lý do nào đó phát sinh từ chủ đầu tư hoặc cơ quan chức năng khiến cho việc ra sổ bị tắc, mọi rủi ro và thiệt thòi đều đổ dồn vào khách hàng. (Ảnh: Bảo Tín)

Đáng lưu ý, ở nhóm 3, có đến 29 dự án với 10.019 căn hộ chưa cấp sổ do vướng mắc về loại hình bất động sản mới chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Hướng xử lý đối với nhóm này là thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ tại các dự án theo quy định sau khi Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ có hiệu lực thi hành.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, trong quý III năm nay sẽ thực hiện cấp Giấy chứng nhận. Phấn đấu đến hết quý III/2023 hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận cho số lượng căn hộ còn tồn đọng tại các dự án có công trình xây dựng sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ.

Nhiêu khê nhất là nhóm 4, liên quan tới 39 dự án với 19.958 căn chưa cấp sổ do phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung. Trong đó, có 23/39 dự án đang được các đơn vị tư vấn thực hiện thẩm định giá. Sau khi nhận được chứng thư thẩm định giá của đơn vị tư vấn, Sở sẽ khẩn trương thực hiện tổng hợp trình Hội đồng Thẩm định giá đất Thành phố xem xét, thẩm định.

Đối với 16/39 dự án còn vướng mắc, Sở nghiên cứu nhằm xác định những khó khăn, bất cập để đề ra biện pháp giải quyết phù hợp; trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cam kết, từ nay đến cuối tháng 10/2023 sẽ trình Hội đồng Thẩm định giá đất Thành phố xem xét 23/39 dự án. Đồng thời, phải đề ra được biện pháp, phương hướng giải quyết đối với 16/39 dự án còn lại.

Riêng nhóm 5 với 6 dự án gồm 4.653 căn chưa cấp sổ do các vướng mắc khác, đến quý III năm nay, Sở sẽ nghiên cứu xong và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ những nội dung vướng mắc này, trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Đặc biệt ở nhóm 6, với 18 dự án, gồm 8.235 căn chưa cấp sổ do đang bị thanh tra, kiểm tra, điều tra. Người đứng đầu Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết sẽ có văn bản trao đổi với cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra về khả năng tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính về cấp sổ cho từng dự án cụ thể.

Quyền lợi của khách hàng cần được tôn trọng

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Luật sư Trần Khánh Ly - Công ty Luật GLAW cho rằng, thông thường, trước khi nhận vào ở, khách hàng đã đóng 95% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư, chỉ còn giữ lại 5% chờ ngày ra "sổ hồng". Điều này có nghĩa, khi có bất kỳ một lý do nào đó phát sinh từ chủ đầu tư hoặc cơ quan chức năng khiến cho việc ra sổ bị tắc, tất cả mọi rủi ro và thiệt thòi đều đổ dồn vào khách hàng.

"Rủi ro thì quá rõ, bởi nếu mua nhà mà không có "sổ hồng" thì giá trị tài sản sẽ bị giảm. Khi phát sinh tranh chấp, do giấy tờ không đầy đủ nên thường bị yếu thế. Còn thiệt thòi thì không kể hết, đơn giản như đi vay ngân hàng, nếu nhà không có sổ thì sẽ vay được một hạn mức rất thấp, có ngân hàng còn không đồng ý cho vay", Luật sư Trần Khánh Ly phân tích thêm.

Để xác định rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, bộ phận, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chia 81.085 căn hộ chưa có sổ ra thành 6 nhóm để xử lý. (Ảnh: Bảo Tín)

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, nói gì thì nói, khách hàng là bên ngay tình nên quyền lợi của họ cần được tôn trọng. Do đó, nếu chủ đầu tư đem tài sản đó đi thế chấp thì phải có trách nhiệm giải chấp, rút sổ ra để làm thủ tục cấp sổ cho người dân. Còn với trường hợp sau khi chủ đầu tư đã bán nhà mà vẫn mang sổ đi thế chấp thì không chỉ chủ đầu tư mà cả ngân hàng cũng có lỗi, điều này là giao dịch một sản phẩm hai lần, hoàn toàn vi phạm pháp luật.

Công bằng mà nói, trong số đó có dự án chậm trễ, cũng có trường hợp do chủ đầu tư chưa hoàn thành các nghĩa vụ liên quan, nhưng vẫn có dự án thuộc về lỗi của cơ quan chức năng do xử lý chưa thống nhất và rốt ráo.

Đứng trước tình trạng chậm cấp "sổ hồng", HoREA kiến nghị, UBND TP.HCM và Sở Xây dựng cần sớm tháo gỡ "vướng mắc" về thủ tục đầu tư xây dựng của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại không thuộc diện bị rà soát pháp lý, không bị kiểm tra, thanh tra, điều tra để tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án, được nộp tiền sử dụng đất, được cấp Giấy chứng nhận cho khách hàng mua nhà.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho hay, để giải quyết nhanh việc cấp sổ, Sở đã phân công trách nhiệm cho từng ban, từng phòng và từng cá nhân cụ thể. Trong đó, Giám đốc Sở sẽ chủ trì chỉ đạo các phòng, đơn vị thực hiện các giải pháp đối với các dự án thuộc 6 nhóm nêu trên.

Riêng với các phòng và đơn vị, tùy theo đặc thù vướng mắc, Sở sẽ phân cho các phòng ban liên quan như: Phòng Kinh tế đất, Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố, Phòng Pháp chế, Phòng Quản lý đất… chủ trì, tham mưu để giải quyết.

Những người dân từng nhiều lần căng băng rôn đòi "sổ hồng" cho biết, cảm giác đợi sổ mỏi mòn nhiều năm liền khiến hàng nghìn khách hàng bức xúc. Với cam kết lần này của các cơ quan chức năng, người dân hy vọng quyền lợi chính đáng của họ sẽ sớm được trả lại đúng nghĩa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top