Từ nay đến cuối năm 2021, TP.HCM thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân năm 2021 từ 95% trở lên.
Đây là mục tiêu được Ủy ban Nhân dân TP.HCM đặt ra trong Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 vừa được ban hành.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân TP.HCM xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2021 của chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Đồng thời, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Từ đó, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.
Về nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, Ủy ban Nhân dân TP.HCM giao Sở Tài chính phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, cung cấp kịp thời số liệu về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của thành phố giai đoạn 2021 - 2025 sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo, thực hiện thẩm tra quyết toán dự án; kịp thời báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố các vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện quyết toán dự án hoàn thành có sử dụng ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân TP.HCM giao Kho bạc nhà nước thành phố chỉ đạo hệ thống thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời gian 4 ngày làm việc; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi.
Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Sở Tài chính, Hội đồng thẩm định giá đất thành phố khẩn trương tham mưu, trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt đơn giá bồi thường đối với những dự án đã có quyết định đầu tư để làm cơ sở giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021.
Đối với các địa phương, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo và giám sát thường xuyên đối với các cơ quan chuyên môn trực thuộc, Ủy ban Nhân dân phường, xã, thị trấn chủ động phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án đề ra.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư các dự án, đối với các dự án đã hết thời gian thực hiện nhưng chưa hoàn thành, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án theo đúng quy định cũng như chịu trách nhiệm về chất lượng thẩm định nội bộ, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để sớm hoàn thành thủ tục đầu tư.
Trong năm 2021, Ủy ban Nhân dân thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công của thành phố với tổng số vốn là 35.749,218 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 3.827,683 tỷ đồng; vốn ngân sách thành phố là 31.921,535 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 4/2021, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân được Kho bạc Nhà nước thành phố xác nhận là 4.690,977 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt là 13,1% tổng kế hoạch vốn thành phố đã giao (kỳ năm 2020 chỉ đạt 10,8%), vốn ngân sách Trung ương giải ngân là 187 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 4,9% tổng kế hoạch vốn giao; vốn ngân sách thành phố giải ngân là 4.503 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 14,1% tổng kế hoạch vốn giao.
Liên quan đến các dự án đầu tư công trên địa bàn, trong tháng 4/2021, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã thông qua chủ trương xây dựng 2 dự án quan trọng là nút giao thông An Phú 3 tầng tổng mức đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách thành phố hơn 2.100 tỷ đồng, Trung ương hỗ trợ 1.800 tỷ đồng tại thành phố Thủ Đức, góp phần giải tỏa ách tắc giao thông tại đầu tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Đây là tuyến huyết mạch kết nối giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án xây dựng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách thành phố 4.200 tỷ đồng, Trung ương hỗ trợ 4.000 tỷ đồng.
Dự án góp phần cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu người dân trong lưu vực, lại có thêm tuyến giao thông thủy, bộ kết nối TP.HCM đi Bình Dương, Đồng Nai./.