Aa

TP.HCM quyết tâm kiến nghị vốn cho metro số 1 với Quốc hội

Thứ Sáu, 20/10/2017 - 21:07

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ kiến nghị Quốc hội phê duyệt tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 1, để rót vốn đẩy nhanh tiến độ, tránh hệ lụy.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM - cho biết, trong ngày 19/10 Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân họp bàn, đánh giá chặt chẽ nội dung cần kiến nghị với Quốc hội khóa 14 tại kỳ họp thứ tư.

"Tổng mức đầu tư của dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1) sau điều chỉnh là 47.000 tỷ đồng - phải có nghị quyết của Quốc hội thông qua. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân sẽ có văn bản nêu vấn đề này với Quốc hội", ông Khuê nói.

Ông Khuê cũng nhận định vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án "không còn là chuyện riêng của TP.HCM" mà là việc chung của cả nước liên quan đến vốn vay ODA.

Cùng thời điểm, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về tình hình triển khai thực hiện dự án. Bộ Giao thông sẽ căn cứ trên các kiến nghị này để báo cáo Quốc Hội.

Theo UBND TP.HCM, từ cuối năm 2016, việc giao kế hoạch vốn ODA của Trung ương cho dự án không đáp ứng được khả năng giải ngân thực tế. Thanh toán các gói thầu của dự án phải tạm ngưng, dẫn đến các nhà thầu giảm tiến độ thi công.

Trong tình hình này, TP.HCM cho biết Thủ tướng đã đồng ý chủ trương ứng trước vốn trung hạn 2016-2020 cho dự án. Bộ Kế hoạch và đầu tư đang cùng Bộ Tài chính đề xuất cụ thể. Để giải quyết khó khăn tạm thời, thành phố phải tạm ứng 1.100 tỷ đồng chi trả cho các nhà thầu.

Tuyết metro Bến Thành - Suối Tiên đang gặp khó khăn do tổng mức đầu tư dự án chưa được Quốc hội phê duyệt. Ảnh: Quỳnh Trần

Tuyết metro Bến Thành - Suối Tiên đang gặp khó khăn do tổng mức đầu tư dự án chưa được Quốc hội phê duyệt. Ảnh: Quỳnh Trần

Tuy nhiên, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dự án metro số 1 bị đình trệ do chưa được phê duyệt tổng mức đầu tư, vì TP.HCM đề nghị tăng số vốn đầu tư quá lớn.

Không đồng ý quan điểm này, ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư dự án) - khẳng định, Chính phủ đã đồng ý cho thành phố phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh.

Theo ông Quang, ban đầu Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (Tedi-South) tư vấn mức đầu tư 17.000 tỷ đồng. Nhưng đơn vị tư vấn trúng thầu là liên danh NJPT (Nhật Bản) thiết kế lại, đề xuất tổng mức đầu tư 47.000 tỷ. TP.HCM đã mời hai công ty của Singapore tư vấn độc lập và kết luận tổng mức đầu tư điều chỉnh là phù hợp. Sau khi được Thủ tướng phê duyệt, dự án đã ký 3 hiệp định vay vốn ODA 31.000 tỷ đồng.

Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị kiến nghị Đoàn ĐBQH TP.HCM, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành giải ngân vốn ODA theo tiến độ dự án và theo hiệp định vay.

Trước thông tin khác nhau về thủ tục và sự đình trệ của dự án, các thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết sẽ đưa nội dung metro Bến Thành – Suối Tiên làm trọng tâm vào kỳ họp Quốc hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đặt vấn đề, trong năm 2011 và 2012 Chính phủ đã có hai báo cáo cho Quốc hội về tổng mức đầu tư dự án nhưng chưa rõ Quốc hội đã xem xét, phê duyệt chưa. Ông đề nghị Đoàn ĐBQH TP.HCM có văn bản tập thể, đề nghị Thường vụ Quốc hội xem xét lại.

Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói, nếu sự điều chỉnh vốn tăng từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng là hợp lý, lợi ích tối ưu của người dân TP.HCM và cả nước, thì Quốc hội cần thiết phải phê duyệt.

Ông Nghĩa đánh giá dự án có tư vấn độc lập khách quan, các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xem xét. Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ kiến nghị Quốc hội phê duyệt dứt điểm, giải tỏa ách tắc.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Phước Lộc cũng cho rằng, Đoàn ĐBQH TP.HCM cần có kiến nghị tập thể bằng văn bản chứ không phải từng đại biểu kiến nghị riêng lẻ. Trước mắt kiến nghị Quốc hội có nghị quyết riêng phân bổ vốn trung hạn 2016-2020 cho dự án.

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên được khởi công tháng 8/2012. Dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Có 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Ban đầu công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2018, song do gặp vướng mắc nên dự kiến lại vào năm 2020.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top