Aa

TP.HCM sắp họp bàn tìm hướng giải quyết các dự án bất động sản ách tắc

Thứ Hai, 10/02/2020 - 16:33

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa trình văn bản kiến nghị kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và cạnh tranh.

HoREA dẫn nguồn dữ liệu các dự án nhà ở trên đà sụt giảm những năm gần đây tại TP.HCM, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, có 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng. Thành phố còn ghi nhận 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra.

HoREA cho biết, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp thị trường bất động sản và các doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Hàng trăm dự án nhà ở bị "đứng hình" và môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự đảm bảo tính minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.

Quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Giá nhà tăng cao, nguồn cung "đóng băng" nên hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số thua lỗ hoặc nguy cơ phá sản.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, hai năm qua, rất nhiều kiến nghị đã được Hiệp hội gửi đến cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ban ngành, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các dự án vướng mắc pháp lý. Nếu kịp thời giải tỏa các dự án này có thể tránh được nguy cơ phá sản của hàng loạt doanh nghiệp, tránh gây hệ luỵ lớn cho xã hội.

"Trong tuần tới, lãnh đạo TP.HCM sẽ có buổi làm việc với Hiệp hội và các doanh nghiệp bất động sản để tiếp tục tìm hướng giải quyết cho các dự án bị ách tắc. Trên cơ sở đó, có thể kỳ vọng càng về cuối năm 2020 thị trường sẽ ổn định hơn", ông Châu nói.

Liên quan lĩnh vực, UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch xây dựng thành phố đến năm 2025. Thành phố xin chuyển đổi khu đất có diện tích khoảng 384,2ha (ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) từ chức năng dự trữ phát triển, cây xanh sang chức năng đô thị kết hợp đô thị sinh thái.

Khu đất này được cho là đất bị nhiễm phèn nên việc phát triển nông nghiệp không đảm bảo hiệu quả kinh tế. Trong đó, khoảng 200ha đang được cho thuê để xây dựng trại giống, nuôi bò sữa, trồng dứa, số còn lại do UBND Hóc Môn quản lý.

Theo định hướng quy hoạch chung của TP.HCM, khu vực Tây - Bắc thành phố sẽ hình thành một trung tâm đô thị mới (diện tích khoảng 6.000ha) được tổ chức đầu tư phát triển theo quy hoạch để tạo động lực phát triển đô thị cho khu vực Tây - Bắc thành phố.

UBND thành phố cho rằng, việc nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi chức năng đô thị tại khu đất này nhằm khai thác quỹ đất, tăng hiệu quả sử dụng đất và thu hút phát triển đô thị là phù hợp với hiện trạng sử dụng đất và chủ trương chuyển đổi quỹ đất nông nghiệp dự trữ sang đất công nghiệp và dịch vụ đô thị; giãn dân, giảm áp lực hạ tầng và giao thông cho khu vực nội thành hiện hữu.

Trước đó, tháng 6/2018, Thủ tướng đã chấp thuận cho TP.HCM được chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp và dịch vụ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top