Hơn 15 năm qua, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, kéo theo nhu cầu phát triển mạnh mẽ nhà ở chung cư trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, do phát triển quá “nóng” khiến không ít chung cư có những vấn đề về chất lượng, gây mất an toàn cho cư dân.
Mới đây, tấm trần thạch cao rộng hàng chục mét vuông bất ngờ đổ sập xuống hành lang một chung cư nằm trên đường Phan Văn Hớn (phường Tân Thới Nhất, quận 12) khiến cư dân ở đây lo lắng. Điều đáng nói là trần thạch cao trên mới đưa vào sử dụng khoảng một năm thì xảy ra sự cố. Không chỉ chung cư bình dân, mà không ít chung cư cao cấp chất lượng cũng không bảo đảm như cam kết từ nhà đầu tư.
Chị Phan Thị Mai Thanh (quận 7) cho biết, chị mới nhận bàn giao nhà từ chủ đầu tư một dự án cao cấp có giá trên 40 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi dọn vào ở mới phát hiện hàng chục “lỗi” trong xây dựng cũng như khâu hoàn thiện như trần phòng khách nghiêng, trần vệ sinh thấm, chân tường ẩm mốc, sơn bị bong tróc, thanh sắt lan can gỉ sét…
Lý giải về vấn đề này, các chuyên gia trong ngành Xây dựng cho rằng, do chi phí đầu vào như tiền sử dụng đất, vật liệu xây dựng, chi phí nhân công đều tăng cao trong khi phải hạ thấp giá thành sản phẩm để cạnh tranh nên nhiều chủ đầu tư đã giao phó chất lượng cho nhà thầu.
Hiện TP.HCM có trên 1.200 chung cư cao tầng, trong đó có khoảng 10% xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý và cư dân, mà một trong những tranh chấp liên quan đến chất lượng dự án. Theo Sở Xây dựng TP.HCM, để cấp phép xây dựng một dự án nhà ở chung cư, cơ quan này phải căn cứ vào quyền sử dụng đất hợp pháp, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, hồ sơ kỹ thuật…
Sau khi dự án xây dựng hoàn thành, chủ đầu tư cùng với nhà thầu và các đơn vị cung cấp vật tư tiến hành nghiệm thu công trình và khi thống nhất biên bản nghiệm thu sẽ trình lên Sở Xây dựng thẩm định, phê duyệt.
Nhằm siết chặt công tác quản lý xây dựng, trong đó có các công trình chung cư cao tầng, Sở Xây dựng TP.HCM vừa ban hành kế hoạch kiểm tra định kỳ chất lượng, công tác quản lý chất lượng, an toàn thi công tại các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố năm 2018.
Ông Nguyễn Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, khi kiểm tra nếu phát hiện các vi phạm về chất lượng, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng thì đơn vị có liên quan sẽ bị xử lý theo quy định.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc kiểm tra trên là cần thiết, đặc biệt là đối với các công trình nhà ở, chung cư cao tầng.
“Sở Xây dựng có thẩm quyền hậu kiểm định kỳ hoặc đột xuất sau khi công trình đưa vào sử dụng, hoặc kiểm tra khi có yêu cầu của cư dân về chất lượng công trình. Đây là việc làm cần thiết nhằm kịp thời phát hiện những hư hỏng, sử dụng sai thiết kế, sai mục đích để yêu cầu chủ đầu tư hay đơn vị quản lý vận hành khắc phục”, ông Lê Hoàng Châu cho hay.