Aa

TP.HCM: Tái khởi động dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Thứ Bảy, 02/03/2019 - 03:00

Đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, số lượng lớn sắt thép trên các công trường bị gỉ do để phơi mưa phơi nắng nhiều tháng qua sẽ được tẩy rửa sạch những gỉ sắt, đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng và độ bền của công trình.

Theo đánh giá của UBND TP.HCM, đây là dự án có khởi đầu tốt, nhưng do sự phối hợp của các đơn vị chưa đồng bộ, việc giải ngân chậm nên hiện ngừng thi công.

Theo đánh giá của UBND TP.HCM, đây là dự án có khởi đầu tốt, nhưng do sự phối hợp của các đơn vị chưa đồng bộ, việc giải ngân chậm nên hiện ngừng thi công.

Mới đây, thông tin từ Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM, dự án chống ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu sẽ được tái khởi động xây dựng sau gần 1 năm đình trệ. Dự án do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (Trung Nam Group) làm chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Tâm Tiến – Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 cho biết: Từ trước tết Kỷ Hợi, nhà đầu tư đã tái khởi động dự án tại các hạng mục thi công cống ngăn triều Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Định.

Trước lo ngại chất lượng công trình chống ngập, nhất là hạng mục cống kiểm soát triều, bị ảnh hưởng sau thời gian dài ngưng thi công, đại diện công ty cho rằng thời điểm tạm ngưng thi công các hạng mục thì hầu hết công trình đã thi công xong phần móng và duy trì công tác đảm bảo an toàn. Hiện dự án đã hoàn thành 72% khối lượng, các hạng mục đã ngoi lên mặt nước, phần thép rỉ chủ yếu ở tầng nổi đã xử lý nên công trình vẫn đảm bảo tính ổn định, bền vững. Mặc dù dự án ngưng thi công trong thời gian dài nhưng không gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Nếu TP.HCM bàn giao mặt bằng trong tháng 6, Trung Nam sẽ nỗ lực hoàn thành toàn bộ dự án chống ngập vào cuối năm 2019 hoặc chậm nhất là đưa vào hoạt động trong quý I năm 2020. Vừa qua, TP đã điều chỉnh một số tuyến để giảm bớt phần bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Vì vậy, đã giảm được 97/238 hộ vướng công tác GPMB, ông Tiến khẳng định.

Còn việc xử lý số lượng lớn sắt thép trên các công trường bị gỉ do để phơi mưa phơi nắng nhiều tháng qua, ông Tiến cho biết, sẽ tẩy rửa sạch những gỉ sắt, đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng và độ bền của công trình.

"Tất cả các vướng mắc, những kiến nghị của các sở, ngành, của nhà đầu tư đã được UBND TP giải quyết. UBND TP.HCM cũng đã thông qua được báo cáo đánh giá của tổ giám sát để cho điều chỉnh lại FS (thiết kế cơ sở) của dự án, UBND TP sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ để gia hạn thời hạn cấp vốn cho dự án sau hạn chót 30/6…", ông Tiến nói.

Đại diện Tập đoàn Trung Nam hứa sẽ nỗ lực hoàn thành toàn bộ dự án chống ngập vào cuối năm 2019 hoặc chậm nhất là đưa vào hoạt động trong quí I năm 2020.

Đại diện Tập đoàn Trung Nam hứa sẽ nỗ lực hoàn thành toàn bộ dự án chống ngập vào cuối năm 2019 hoặc chậm nhất là đưa vào hoạt động trong quý I năm 2020.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng chấp thuận điều chỉnh thiết kế đoạn kè thuộc hạng mục cống Bà Bướm, phường Phú Thuận, quận 7, theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

UBND TP.HCM cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan và chủ đầu tư dự án khẩn trương rà soát, tham mưu, trình đề xuất UBND TP phê duyệt điều chỉnh ranh dự án đối với các vị trí đã được chấp thuận và hạng mục cống Bà Bướm trước ngày 5/3.

Bên cạnh đó UBND TP.HCM cũng chấp thuận chủ trương thuê đơn vị tư vấn là Viện nghiên cứu cơ khí thuộc Bộ Công thương kiểm định, đánh giá việc thay đổi vật liệu thép (mác thép) chế tạo cửa van dự án theo ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những động thái này của UBND TP.HCM được cho là nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho dự án.

Dự án chống ngập do triều khu vực TP.HCM với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 6/2016 gồm 7 hạng mục, nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong vùng dự án ở các quận 1, 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

Đầu tháng 5/2018, chủ đầu tư, Công ty TNHH Trung Nam thông báo tạm ngưng thi công khi đã hoàn thành 72% khối lượng. Nguyên nhân là UBND TP.HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân để thực hiện thủ tục tái cấp vốn.

Đây công trình chống ngập đầu tiên tại Việt Nam, với việc tái khởi động lại lần này,  dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng ngập do mưa và triều cường cho diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân trong khu vực.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top