Aa

TP.HCM tăng tốc hàng loạt dự án huyết mạch trong năm 2022

Thứ Năm, 03/02/2022 - 14:30

Thành phố dồn lực tăng tốc về đích nhiều dự án hạ tầng lớn trong năm 2022 cũng như khởi động các dự án huyết mạch đã ì ạch nhiều năm nay.

Khởi công nhiều dự án trọng điểm

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), đơn vị này đang hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư cho loạt dự án trọng điểm để khởi công ngay trong năm 2022. 

Trong đó, nhóm dự án giải cứu kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có vốn đầu tư lớn nhất và nhận nhiều sự quan tâm của người dân TP.HCM. Cuối năm 2021, UBND TP.HCM đã có quyết định phê duyệt báo cáo xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình) bằng nguồn vốn ngân sách. 

Với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, dự án nhằm phục vụ cho việc kết nối giao thông của Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Kẹt xe trên đường Trần Quốc Hoàn hướng từ sân bay Tân Sơn Nhất về vòng xoay Lăng Cha Cả. Ảnh: Minh Quân

Cũng trong nhóm dự án này, Ban Giao thông dự kiến khởi công thêm 2 dự án khác gồm mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và dự án cải tạo đường Cộng Hòa. 

Các công trình này khi hoàn thành không chỉ đồng bộ kết nối với Nhà ga T3 mà còn góp phần giảm ùn tắc rất lớn khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất - một trong những điểm đen giao thông của TP.HCM nhiều năm qua. 

Nút giao An Phú (TP. Thủ Đức) cũng là một trong những công trình được trông đợi nhất trong năm 2022, bởi đây là nơi giao nhau giữa ba trục giao thông lớn gồm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của, nhưng thường xuyên ùn tắc, nhất là vào dịp cuối tuần và lễ, Tết. 

Ngoài ra, dự án mở rộng Quốc lộ 50 cũng được TPHCM bố trí 120 tỷ đồng để triển khai trong năm 2022. Khi hoàn thành vào năm 2024, tuyến đường sẽ giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, giải quyết áp lực giao thông khu vực cửa ngõ phía Nam TP.HCM.

Quốc lộ 50 qua huyện Bình Chánh chưa được mở rộng nên thường xuyên kẹt xe. Ảnh: Thanh Vũ

Đối với dự án xây dựng hạ tầng và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, TP.HCM đã bố trí 1.000 tỷ đồng để khởi công dự án trong năm 2022 nhằm thoát nước, chống ngập cho 7 quận, huyện. Đồng thời, hình thành tuyến giao thông thủy - bộ kết nối TP.HCM đi miền Tây và miền Đông Nam bộ, góp phần cải thiện đời sống cho khoảng 2 triệu dân trong lưu vực rộng gần 15.000ha. 

Cùng với kế hoạch khởi công các dự án mới, Ban Giao thông cho biết sẽ phối hợp chính quyền địa phương và các bên liên quan đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để khởi động lại các dự án như cầu Tăng Long, Long Kiểng... 

Huy động các nguồn lực để đảm bảo nguồn vốn

Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nhu cầu vốn để xây dựng hạ tầng giao thông của TP.HCM từ nay đến năm 2025 cần hơn 533.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 218.239 tỷ đồng và vốn khác (ODA, PPP...) là 315.290 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách TP.HCM đã được Quốc Hội thông qua là 142.557 tỷ đồng, chỉ đủ để bố trí cho các dự án được chuyển tiếp, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới. 

Hiện nay, TP.HCM đã và đang ưu tiên nguồn vốn ngân sách để đảm bảo kinh phí cho công tác phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế. Do đó, nguồn vốn ngân sách để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của TP.HCM rất khó khăn. 

Trong khi đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã không còn hình thức hợp đồng BT. Đồng thời, quy định tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư dự án; Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới... nên tính khả thi của các dự án PPP không cao.

TP.HCM sẽ khai thác quỹ đất hai bên đường metro để tại nguồn lực đầu tư cho giao thông. Ảnh: Anh Tú

Ông Trần Quang Lâm cho biết, Sở GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND TP.HCM các giải pháp huy động nguồn lực như báo cáo cấp thẩm quyền chấp thuận tăng tổng mức vốn đầu tư công trung hạn của TP.HCM.

Đồng thời, TP.HCM sẽ tục kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố để tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm, kết nối liên vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết sẽ đề xuất điều chỉnh quy hoạch đô thị xung quanh các trục giao thông chính, các tuyến metro, nhà ga metro và vùng phụ cận để tăng hiệu quả sử dụng đất. Từ đó, tạo nguồn thu cho ngân sách từ khai thác hiệu quả quỹ đất phát triển đô thị dọc các tuyến nói trên.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top