Aa

TP.HCM tháo gỡ "điểm nghẽn" trong giải ngân đầu tư công

Thứ Sáu, 13/12/2019 - 19:02

Kế hoạch đầu tư công của TP.HCM trong năm 2019 là gần 27.410 tỷ đồng, tuy nhiên, đến hết tháng 11/2019, tỷ lệ giải ngân của các dự án đầu tư công trên địa bàn chỉ đạt trên 55%.

Mặc dù thường xuyên theo dõi, đôn đốc và có văn bản nhắc nhở các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn các dự án, tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân đầu tư công trên địa bàn TP.HCM vẫn còn khá thấp. Một số “điểm nghẽn” trong giải ngân đầu tư công đang được Ủy ban Nhân dân TP.HCM tập trung triển khai thực hiện.

Tiến độ giải ngân mới đạt hơn 55%

Theo Ủy ban Nhân dân TP.HCM, kế hoạch đầu tư công của thành phố trong năm 2019 là gần 27.410 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng 11/2019, tỷ lệ giải ngân của các dự án đầu tư công trên địa bàn chỉ đạt trên 55%.

Cụ thể, tính đến hết tháng 11/2019, tổng số vốn cân đối ngân sách thành phố đã giải ngân là 13.363 tỷ đồng, đạt 58,9% so với tổng kế hoạch vốn do Ủy ban Nhân dân thành phố giao (23.047 tỷ đồng).

Tổng số vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu đã giải ngân là 1.316 tỷ đồng, đạt 66,9% kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao. Tổng vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương đã giải ngân là 468 tỷ đồng, đạt 46,8% kế hoạch.

Hầm hở trên Quốc lộ 1 nằm phía dưới Dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thanh-Suối Tiên. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Đáng chú ý, tổng số vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ mới giải ngân 18,5 tỷ đồng, chỉ đạt 1,3% so với kế hoạch vốn do Ủy ban Nhân dân thành phố giao.

Lý giải nguyên nhân tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư công trên địa bàn còn thấp, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Bồi thường giải phóng mặt bằng còn thực hiện chậm, kéo dài, đôi khi còn có tình trạng người dân phản ứng nên ảnh hưởng đến quá trình giải ngân.

Bên cạnh đó, việc đăng ký một số dự án có vốn đăng ký vượt quá khả năng thực hiện; một số chủ đầu tư không lập kế hoạch, không theo dõi tiến độ dự án kỹ càng để kịp thời báo cáo cho Ủy ban Nhân dân điều chỉnh vốn kịp thời… cũng đã ảnh hưởng đến giải ngân trong năm nay.

Riêng trong năm 2019, nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương còn gặp khó khăn, do vướng thủ tục điều chỉnh dự án nên mặc dù khối lượng xây dựng tại công trình cao nhưng chưa được bố trí để thanh toán. Còn khoản vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ giải ngân thấp do vướng hồ sơ thủ tục pháp lý.

Dẫu vậy, dự kiến hết năm 2019, kế hoạch đầu tư công ở TP.HCM sẽ giải ngân sẽ đạt 90%. “Thông thường tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư công vào cuối năm sẽ cao hơn, nhất là các dự án khởi công mới. Đơn cử như cuối tháng 11/2018, thành phố cũng chỉ giải ngân đạt 55%, nhưng đến cuối năm tỷ lệ giải ngân lên đến 92%. Do vậy, chúng tôi có đủ cơ sở để đưa ra tỷ lệ giải ngân của thành phố trong năm 2019 sẽ đạt 90%,” bà Mai cho biết.

Hiện dự án xây dựng tuyết đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên đã được phê duyệt nên dự kiến đến hết năm 2019, kế hoạch giải ngân số vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ sẽ đạt 90% so với kế hoạch.

Các dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu đều được thực hiện theo đúng tiến độ, dự kiến đến hết năm, kế hoạch đầu tư công 2019 sẽ giải ngân là 1.969 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch được giao…

Xem xét tỷ lệ điều tiết các dự án

Theo kế hoạch đầu tư công năm 2020 vừa được Hội đồng nhân dân TP.HCM phê duyệt, trong năm 2020, nguồn vốn cân đối ngân sách thành phố bố trí cho kế hoạch đầu tư công là 33.952 tỷ đồng; nguồn vốn Trung ương là 8.198 tỷ đồng.

Để hạn chế tình trạng đầu tư không đúng trọng điểm, giải ngân chậm, ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM cho rằng, thành phố cần xem xét tỷ lệ điều tiết vốn hợp lý giúp các dự án được triển khai thuận lợi hơn.

“Trong thời gian qua, có nhiều dự án đầu tư công trên địa bàn được triển khai, tuy nhiên khi thực hiện lại gặp vướng liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng khiến việc giải ngân chậm, không đạt tiến độ thực hiện buộc phải trả vốn. Tình trạng này, dẫn đến nghịch lý “vừa thiếu vốn, vừa thừa vốn.”

Khi “thừa vốn,” thành phố phải chuyển vốn sang dự án có tính khả thi cao nhưng dự án đó lại không nhiều. Vì vậy, cần xem xét tỷ lệ điều tiết vốn hợp lý giúp các dự án được triển khai thuận lợi hơn, hạn chế tình trạng giải ngân chậm như hiện nay,” ông Thắng nói.

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP.HCM vừa qua, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng thừa nhận, vấn đề đầu tư công hiện nay đang có nhiều tồn tại, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các nguồn vốn.

Theo ông Tuyến, có một số dự án chủ đầu tư, nhà thầu “quên lãng” đi vấn đề quyết toán, đến cuối năm mới tổng hợp hồ sơ gửi lên kho bạc nhà nước. Còn kho bạc thì thời điểm từ tháng 3-11 trong năm thường không có nhiều việc, nhưng đến tháng 11 trở đi thì có cả hàng nghìn hồ sơ dự án gửi về, khiến công việc quá tải, không đáp ứng kịp. Đây là những vấn đề chủ quan ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công sẽ phải siết lại trong thời gian tới.

Từ thực tế triển khai các dự án đầu tư công, ông Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết, do khâu xác định các dự án đầu tư công chưa được thực hiện chặt chẽ cũng là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công hiện nay.

Thông thường, tiến độ các dự án được chuẩn bị rất nhanh, nhưng khi triển khai thực hiện lại thiếu sót, phải bổ sung điều chỉnh rất nhiều vấn đề.

Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã xây dựng quy trình đầu tư công. Trước khi đưa vào danh mục đầu tư công, dự án sẽ được các đơn vị liên quan rà soát, lấy ý kiến, thảo luận… từ khâu xác định đến tổng thể dự án nhằm chọn ra dự án thật sự cần thiết.

“Khi lựa chọn dự án sẽ dựa trên ý kiến tập thể chứ không chỉ phụ thuộc ý muốn chủ quan của vài người, tránh trường hợp lựa chọn dự án vì lợi ích cá nhân. Quy trình lựa chọn dự án đầu tư công sẽ được làm rất chặt chẽ trước khi trình Hội đồng nhân dân thông qua, để dự án đúng thực chất, đáp ứng yêu cầu thực tế, khi đó việc giải ngân cũng thuận lợi,” ông Tuyến nói.

Đại diện Ủy ban Nhân dân TP.HCM cũng cho biết, để thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2026, ngay từ bây giờ, Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản gửi cho các đơn vị chuẩn bị đăng ký vốn và dự án đầu tư trung hạn để có thời gian xem xét, tránh tình trạng đăng ký đầu tư gấp rút, không thực chất, gây lãng phí nguồn lực vốn dĩ đã ít./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top