Theo thông tin từ UBND TP.HCM, cơ quan này đã chấp thuận thi tuyển ý tưởng theo hình thức thi tuyển quốc tế hạn chế và đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu Công viên 23 tháng 9 theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM.
Công viên 23/9 có diện tích khoảng 9,46ha với chiều rộng khoảng 90m và chiều dài hơn 1.100m. Công viên bị giới hạn bởi quảng trường Quách Thị Trang, đường Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Nguyễn Trãi. Trong đó có hai đường là Nguyễn Thái Học và Tôn Thất Tùng nối dài cắt ngang qua công viên và cắt công viên ra làm 3 đoạn.
Trước đó, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến đã chấp thuận chủ trương chỉnh trang và quy hoạch Công viên 23-9.
Theo đó, việc di dời các công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe... trên đất công viên 23/9 để phục vụ cho sinh hoạt vui chơi của người dân thành phố, UBND Thành phố giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường và Ban chỉ đạo 09 (Sở Tài chính) rà soát và đánh giá kỹ, chính xác tình trạng pháp lý của từng công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe... đang tồn tại ở công viên này để đề xuất thành phố lộ trình di dời và phương án di dời phù hợp.
Các phân khu trong công viên được tính toán như sau: khu quảng trường sẽ giáp phía Công trường Quách Thị Trang với diện tích khoảng 0,89ha, tầng cao trung bình là một tầng và mật độ xây dựng 2%. Khu tượng đài Nam bộ kháng chiến giáp phía đường Nguyễn Thị Nghĩa có diện tích khoảng 2,64ha; tầng cao trung bình là một tầng và mật độ xây dựng 5%.
Khu công viên văn hóa cũng giáp phía đường Nguyễn Thị Nghĩa có diện tích 1,4ha với tầng cao trung bình 4-5 tầng; mật độ xây dựng 15%. Khu công viên cây xanh và thương mại dịch vụ có diện tích khoảng 3,53ha; mật độ xây dựng 5%. Khu bến xe buýt rộng khoảng 1ha trong đó diện tích dành cho bến xe buýt 6.000m2. Phía dưới công viên là các tầng hầm, kết nối các nhà ga metro với trung tâm xe buýt, các tầng hầm thương mại và bãi đậu xe.
Quy hoạch của Công ty Tư vấn Nikken Sekkei Nhật Bản mà Sở Quy hoạch Kiến trúc trình UBND TP.HCM năm 2011 về chức năng của Công viên 23 tháng 9 cũng tương tự nghiên cứu do Công ty TNHH Xây dựng và kiến trúc miền Nam lập.
Cụ thể, trên mặt đất sẽ có công viên và quảng trường. Còn dưới mặt đất sẽ là các bãi đậu xe ngầm và trung tâm thương mại dịch vụ. Trong đó tầng ngầm được quy định tối đa là 4 với 2 tầng để làm bãi đậu xe và 2 tầng làm trung tâm thương mại.
Đối với các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động, vẫn còn thời hạn thì báo cáo và đề xuất lộ trình và phương án di dời phù hợp. Đối với các hoạt động đang gây mất an toàn, an ninh trật tự, mất vệ sinh môi trường, gây phản cảm hoặc hoạt động không phép thì phải báo cáo và đề xuất chấm dứt hoạt động ngay.
Về việc lâp quy hoạch chi tiết 1/500 toàn bộ khu vực Công viên 23/9, trước đây, UBND TP.HCM có chấp thuận cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đâu tư Thương mại Cửu Long nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án thiết kế kiến trúc công trình khu vực công viên này tại Khu B (Công văn số 2300/ƯBND-ĐTMT ngày 27/4/2015 của UBND Thành phố).
Tuy nhiên, đến nay công tác lập quy hoạch vẫn chưa hoàn thành. Do đó, để sớm có cơ sở triển khai chỉnh trang, đầu tư đồng bộ cảnh quan, hạ tầng và kết nối giao thông tại khu vực Công viên 23/9, UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch kiến trúc khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch đầu tư rà soát, tham mưu, đề xuất thành phố kế hoạch tổ chức, dự toán kinh phí lập quy hoạch chi tiết 1/500 đấu thầu chọn tư vấn khu vực Công viên 23/9.