Mới đây, UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng cho phép áp dụng chính thức quy trình một cửa liên thông điện tử trong công tác cấp giấy phép xây dựng tại TP.HCM.
Đồng thời, chấp thuận việc phân cấp cho một cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng/thiết kế bản vẽ thi công và cấp giấy phép xây dựng.
UBND thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng chấp thuận việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng theo hướng giảm từ 3 thủ tục (thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế xây dựng/thiết kế bản vẽ thi công triển khai sau thiết kế cơ sở và cấp giấy phép xây dựng) xuống còn 1 thủ tục là cấp giấy phép xây dựng.
Việc thí điểm thực hiện cơ chế một cửa liên thông điện tử trong công tác cấp giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng trong thời gian qua là khả thi, đem lại tính tiện ích cao cho doanh nghiệp.
Cụ thể, chủ đầu tư được nộp hồ sơ cùng lúc ba thủ tục (thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế xây dựng/thiết kế bản vẽ thi công triển khai sau thiết kế cơ sở và cấp giấy phép xây dựng). Rút ngắn thời gian nhận kết quả giải quyết của cả ba thủ tục từ 122 ngày xuống còn 42 ngày do các thủ tục được giải quyết tại một cơ quan nhà nước.
Quy trình này cho phép Sở Xây dựng thực hiện đồng thời cả 3 thủ tục và thực hiện liên thông điện tử với các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng liên quan để trao đổi thông tin cần thiết nhằm đảm bảo sự phù hợp của công trình xây dựng với lĩnh vực chuyên ngành có liên quan.
Trước đây, nếu như muốn xây nhà ở riêng lẻ, người dân buộc phải xin Giấy phép xây dựng và thời gian chờ đợi kết quả phải mất từ 1 đến 2 tháng, thậm chí phải trả khoản phí hơn 10 triệu đồng để chi cho bản vẽ thiết kế thì từ nay, thủ tục này đã được đưa vào thí điểm loại bỏ.
Người dân chỉ cần hoàn thiện hồ sơ, đăng ký xây dựng dựa trên những chỉ tiêu quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch hoặc thiết kế đô thị đã công bố. Ở những khu vực đã được quy hoạch chi tiết, bài bản, người dân chỉ cần dựa vào đó để lập hồ sơ thiết kế, trình cơ quan chức năng thẩm định.
Nếu đạt yêu cầu chất lượng, đúng quy định, người dân có thể triển khai xây dựng, không nhất thiết phải xin giấy phép xây dựng.
Nói về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, đây là chủ trương hợp lý, nếu thực hiện thành công, việc này sẽ hạn chế được nhiều tiêu cực trong xây dựng.
Tuy nhiên, để quản lý, giám sát được việc xây dựng nhà ở riêng lẻ mà không cần giấy phép xây dựng, thành phố cần có sự đồng bộ, chuẩn về mặt quy hoạch. Chẳng hạn, cơ quan xây dựng phải xác định cốt san nền trong mỗi quận, để đảm bảo việc thoát nước, nhà khi được xây dựng không bị ngập.