Bằng văn bản số 4516/UBND-ĐT, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đồng thuận đặt tên Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông với tên gọi “Quảng trường Hồ Chí Minh".
Đây sẽ là công trình công cộng có không gian lớn tại trung tâm thành phố, biểu tượng của sự trường tồn, đồng hành với sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm các hạng mục quảng trường, cột cờ Tổ quốc, nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sàn, ao cá Bác Hồ, công viên lưu niệm 63 tỉnh, thành.
Theo thuyết minh của Sở Quy hoạch và Kiến trúc tại văn bản số 5036/SQHKT-QHKTT, công trình nói trên sẽ là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu văn hoá, tổ chức lễ hội chính trị, đồng thời là không gian công cộng năng động phục vụ người dân thành phố và du khách thường nhật, bổ sung các chức năng không thể đáp ứng trong khu đô thị hiện hữu.
Công trình nằm ở tiền cảnh của Trung tâm tài chính quốc tế và Khu lõi trung tâm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có mối liên kết tương tác chặt chẽ về mọi mặt với quận 1, quận 4. Quy mô phục vụ tối đa của công trình này là 430.000 người.
Trước đó từ năm 2014, dự án Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ định nhà đầu tư thực hiện là Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh theo hình thức BT (đầu tư - chuyển giao).
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc bổ sung dự án này vào hợp đồng BT đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng do Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư.
Tổng diện tích khu vực quy hoạch dự án nói trên khoảng 29ha; trong đó diện tích Quảng trường trung tâm là 20ha. Tổng mức đầu tư theo nghiên cứu đề xuất của tư vấn Deso Defrain Souquet Associates (Pháp) là 1.970 tỷ đồng.
Về cơ chế thanh toán dự án Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông sẽ được cấn trừ vào số tiền chênh lệch mà nhà đầu tư còn phải nộp theo quy định trong hợp đồng BT dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính.
Liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, dự án cầu Thủ Thiêm 2 do Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư theo hình thức BT đang vướng giải phóng mặt bằng nên nguy cơ chậm tiến độ.
Dự án có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng-Lê Duẩn, điểm cuối tại điểm kết nối vào tuyến R1 Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tổng chiều dài công trình gần 1,5km, tổng mức đầu tư hơn 4.260 tỷ đồng.
Cầu Thủ Thiêm 2 gồm nhánh N1 chạy dọc đường Tôn Đức Thắng đoạn đi dọc sông Sài Gòn, từ Quảng trường Mê Linh kết nối vào cầu chính tại trụ AS11, cho các dòng xe từ quận 1 đi quận 2.
Nhánh N2 chạy dọc theo cầu chính, từ trụ AS11 kết nối xuống đường Tôn Đức Thắng, cho các dòng xe từ quận 2 đi quận 1.
Thời gian hoàn thành công trình theo hợp đồng BT là vào tháng 10/2019. Tuy nhiên, hiện nay, dự án đang vướng giải phóng mặt bằng ở phía bờ quận 1 của 6 hộ dân và 4 tổ chức (Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Bitexco, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ công ích quận 1, Tổng Công ty Ba Son-Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và Bộ tư lệnh Hải quân). Vì thế, nhà đầu tư kiến nghị được lùi thời gian hoàn thành trước ngày 30/4/2020.
Tính đến hết tháng 9/2018, nhà đầu tư đang thi công đường dẫn vào cầu từ phía quận 2, thi công đường dẫn vào cầu bờ quận 1... khối lượng ước đạt 16% trên tổng giá trị khối lượng công trình.
Trong khi đó, dự án 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (theo hình thức BT, do Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư, quy mô vốn hơn 12.000 tỷ đồng, bao gồm chi phí lãi vay và dự phòng trượt giá) vẫn đang thi công dang dở, không thể hoàn thành trong 2/2017 như dự kiến do vướng giải phóng mặt bằng./.