Aa

Trách nhiệm của người đứng đầu đến đâu?

Thứ Hai, 09/10/2017 - 06:01

Để xây dựng được một dự án, phải trải qua các khâu kiểm duyệt, quy hoạch bài bản. Nhưng thực tế, trong quá trình thực hiện, việc buông lỏng quản lý, "làm ngơ" cho các vi phạm đã dẫn đến tình trạng "băm nát quy hoạch". Tuy nhiên, vì lỗi là của tập thể nên việc quy trách nhiệm để xử phạt đến nay vẫn chưa rõ ràng?

 

“Chính quyền phải có tâm, có tầm và có tài”

Nhìn vào mục tiêu quy hoạch của thành phố đến năm 2030 hay 2050 đều thấy các nhà quản lý quy hoạch, những chuyên gia tư vấn xây dựng đều có ý thức phát triển đô thị Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch thì chính họ lại là những người điều chỉnh quy hoạch “sao cho hợp lý”.

Sau rất nhiều năm, “hợp lý” chưa thấy đâu, chỉ thấy những dự án chậm chạp xây dựng từ năm này qua năm khác. Tiếp đó là các dự án cao tầng, nâng tầng đổ bộ vào đô thị, mật độ xây dựng tăng nhanh… trong khi hạ tầng điện nước, giao thông không theo kịp khiến Hà Nội ngột ngạt hơn.

Nhận định về tình trạng này, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, quy hoạch đô thị ở Hà Nội càng ngày càng bị băm nát bởi các dự án. Khi chúng ta có quy hoạch chung thì có quy hoạch phân khu, rồi quy hoạch chi tiết, các dự án được triển khai xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chung.

Đơn cử, chúng ta có đường vành đai 1, 2, 3 và các đường vành đai đó sẽ xuất hiện các KĐT với mục đích kéo dãn dân của nội đô ra. Nhưng, các dự án, KĐT đó thì lại bị chủ đầu tư tham gia vào một cách bất hợp lý. Rất nhiều KĐT đã bị biến tướng so với quy hoạch, thiếu bãi đỗ xe, thiếu cây xanh, không có không gian công cộng, trường học...

“Khi họ đầu tư vào đây là mong muốn có lợi nhuận nhưng ai cho phép họ làm thì lại là chính quyền. Cho nên, chính quyền cần phải có 1 cái tâm, 1 cái tầm và có tài. Để nhận thấy rằng, doanh nghiệp đầu tư vào đây làm cho diện mạo kiến trúc Hà Nội đẹp hơn, hiện đại hơn, đời sống người dân cải thiện. Chứ không phải là họ tham gia vào đây để tạo lên áp lực cho thành phố về giao thông, hạ tầng đô thị”, ông Tùng nhấn mạnh.

Quy hoạch Hà Nội bị băm nát phải quy trách nhiệm đến từng cá nhân

Quy hoạch Hà Nội bị băm nát phải quy trách nhiệm đến từng cá nhân.

Chia sẻ xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho hay: “Các cấp chính quyền phải thường xuyên kiểm tra đến từng dự án, phải quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng khi đã xây lên rồi mà đập phá thì vừa lãng phí cho chủ đầu tư, lãng phí cho xã hội và dẫn đến hệ quả rất lớn”.

Theo ông Điệp, hiện nay, luật đã đầy đủ nhưng chúng ta cần quy trách nhiệm đến từng cá nhân, từ lúc xây dựng luật đến những người thực thi luật. Ví dụ như thanh tra của quận huyện khi để vượt tầng thì chế tài xử phạt như thế nào? Xử phạt chủ tịch quận huyện, phường, xã như thế nào nếu để xảy ra sai phạm? Cần có chế tài cụ thể cho từng vị trí của các cơ quan quản lý để quy trách nhiệm đến từng người.

Hơn nữa, các cấp chính quyền cần vào cuộc, có thể kiểm tra giám sát thường xuyên, uốn nắn cho các doanh nghiệp đi đúng hướng và đúng quy hoạch. Khi quy hoạch là phải tuân thủ nhất quán, không được thay đổi.

Ví dụ như trường hợp của Mường Thanh, là một trong những tập đoàn có đóng góp rất lớn cho Hà Nội. Trong giai đoạn khó khăn nhất, nhưng doanh nghiệp này vẫn phát triển tốt những chung cư giá rẻ phù hợp với thu nhập của người dân, điều đó đáng được khen ngợi. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, họ có những hành vi "vượt rào" vì lợi nhuận. Nếu các cấp chính quyền kịp thời kiểm tra nhắc nhở thì tôi nghĩ sẽ không xảy ra hệ quả lớn như hôm nay. Đây là một bài học cần rút kinh nghiệm và có cách xử lý thế nào để hệ quả xã hội thấp nhất, ít ảnh hưởng đến người dân nhất.

“Xử lý nghiêm túc chứ không phải rầm rộ ra quân rồi thôi”

Theo nhận định chung từ nhiều chuyên gia thì phía cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm đầu tiên về câu chuyện “Hà Nội bị băm nát” vì lỗi trước hết là ở họ. Bởi quỹ đất của Hà Nội là tài sản của Nhà nước thì việc một tổ chức đưa ra bản quy hoạch bất lợi, đồng ý cho xây dựng những dự án ảnh hưởng đến bộ mặt, kinh tế, xã hội thì có thể xem như đó là tội xâm phạm đến lợi ích quốc gia để xử phạt.

Nhưng xử phạt thế nào khi câu chuyện này có liên quan đến lợi ích nhóm, liên quan đến cả hệ thống đã đồng ý cấp phép xây dựng thì đến nay vẫn chưa có luật hay một chế tài xử phạt nào rõ ràng (!?)

Trao đổi với Reatimes, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Hà Nội cho biết: “Mới đây, đã có quy định xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng nhưng điều đó chỉ có trên giấy. Bởi việc phân công, phân cấp trách nhiệm với chính quyền địa phương các cấp và các sở quản lý chuyên ngành hiện nay chưa rõ ràng, như khu vực nào do thành phố quản lý, khu vực nào phường quản lý? Nên việc xử phạt rất khó và xử phạt như thế nào vẫn là câu hỏi? Bởi vậy, phải có chế tài xử lý một cách nghiêm túc chứ không phải chỉ rầm rộ thỉnh thoảng một đợt ra quân rồi thôi”.

Đến nay hình thức xử phạt cho cơ quan đứng đầu trước những sai phạm

Hình thức xử phạt cơ quan đứng đầu trước những sai phạm về quy hoạch Hà Nội vẫn rất chung chung.

Còn theo luật sư Nguyễn Phú Thắng, Hãng Luật Intercode, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, cần phải xử lý nghiêm, kịp thời và đúng luật đối với các nhà đầu tư có hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, hành vi góp phần phá vỡ quy hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Có như vậy mới đảm bảo tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Nếu không, rõ ràng Hà Nội đang dần dần bị "gặm nhấm", phá tan nát quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Ở đây, cũng cần tiến hành đồng thời việc xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể vì năng lực yếu kém, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm công vụ, hoặc cố ý bao che, làm ngơ cho những vi phạm…

Luật sư Nguyễn Phú Thắng nhấn mạnh: "Những quan điểm rất chung chung rằng phải xử phạt thật nghiêm dường như chưa phải là câu trả lời mà người dân Hà Nội cảm thấy thỏa mãn. Họ hy vọng nhiều hơn những nhà quản lý “công khai minh bạch” khi đưa ra chính sách quy hoạch, phải chịu trách nhiệm giải trình khi ký cho phép xây dựng".

Bên cạnh đó, một chuyên gia có kinh nghiệm công tác trong ngành tư vấn công trình xây dựng nhiều năm cho hay, đã từng có rất nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều công trình mới xây xong đã hỏng? Tại sao có những công trình đang xây dang dở thì bỏ dở? Tại sao có những công trình quy hoạch xây không hợp lý? Và cuối cùng đặt ra câu hỏi các nhà tư vấn đã thực sự đưa ra những lời khuyên, những định hướng cho nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước hay chưa?

Vị chuyên gia này lấy ví dụ chuyện ngập lụt ở Hà Nội, khi Hà Nội phát triển các đô thị mới, việc cấp cốt xây dựng tùy tiện, không giám sát chặt chẽ việc chủ đầy tư có xây dựng đúng cốt đã được cấp không là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nhưng bên cạnh đó, việc xác định cốt chuẩn để cung cấp cho chủ đầu tư để xác định hướng thoát nước tự nhiên là trách nhiệm của tổ tư vấn, những người đã vẽ ra các đồ án quy hoạch. Không hiểu các nhà tư vấn quy hoạch xây dựng có thấy được trách nhiệm của họ với Hà Nội hay không?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top