Aa

Trái phiếu bất động sản đang "chất lượng" hơn?

Thứ Hai, 31/08/2020 - 06:00

Bất động sản vẫn là nhóm ngành có lượng trái phiếu phát hành lớn nhất nửa đầu năm, nhưng lại cô đặc hơn tại những doanh nghiệp lớn, uy tín.

Trái phiếu bất động sản chiếm gần 42% tổng lượng phát hành toàn thị trường

Theo Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong quý II/2020 là 122,3 nghìn tỷ đồng, tăng 69,7% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm là 171,5 nghìn tỷ đồng, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm trước và bỏ xa mức tăng trưởng 37% trong 2019. Quy mô thị trường TPDN tăng khoảng 15,6% so với cuối năm 2019 lên mức 791 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 12,9% GDP.

Xét tỷ trọng phát hành theo ngành, ngành bất động sản vượt lên dẫn đầu với tổng cộng 71,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng lượng phát hành và tăng 57,5%. Các doanh nghiệp bất động sản phát hành 47,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong quý II/2020, tăng gần gấp đôi so với lượng phát hành quý I/2020 và cùng kỳ 2019. Lũy kế của 6 tháng đầu năm 2020, có 71,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản được phát hành, tăng +57,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Top 3 doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất là CTCP Vinhomes (12 nghìn tỷ), CTCP Đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings (9,7 nghìn tỷ) và Tập đoàn Sovico (9 nghìn tỷ). Như vậy so với giai đoạn trước, trái phiếu bất động sản thời điểm này tập trung lượng lớn từ những doanh nghiệp uy tín. Đó cũng là điều dễ hiểu vì thị trường đã có những bài học cảnh báo độ rủi ro của trái phiếu phát hành bởi những doanh nghiệp "vô danh" hoặc dự án ảo...

Đứng thứ 2 là nhóm ngân hàng với tổng giá trị phát hành 47,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,6% và tăng 31,2% YoY. Nhóm năng lượng và khoáng sản phát hành 10,5 nghìn tỷ đồng chiếm 6,1% và gấp 5,3 lần cùng kỳ 2019. Còn lại là nhóm phát triển hạ tầng (1,6%), các công ty dịch vụ tài chính (1,7%) và các doanh nghiệp khác. Trong đó, ngân hàng BIDV đã phát hành hơn 15 nghìn tỷ đồng , ngân hàng HDBank phát hành 8,5 nghìn tỷ và VPBank phát hành 7 nghìn tỷ đồng.

Việt Nam cùng với Trung Quốc, Malaysia là những nước châu Á có thị trường TPDN tăng trưởng mạnh nhất. Hiện tại, quy mô thị trường TPDN tính trên GDP của Việt Nam đã bỏ xa Indonesia, vượt qua Philippines nhưng vẫn còn cách khá xa mức 23% GDP của Thái Lan; 33 - 35% GDP của Trung Quốc, Singapore; 50,9% GDP của Malaysia và 80% GDP của Hàn Quốc (theo ADB).

So với các kênh huy động vốn khác tại Việt Nam, kênh TPDN vẫn có quy mô khá khiêm tốn. Nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào tín dụng ngân hàng.

thi-truong-trai-phieu-1
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, đứng đầu là doanh nghiệp bất động sản

Kỳ hạn phát hành trái phiếu bất động sản khoảng 4 năm

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, các doanh nghiệp tăng huy động ở những kỳ hạn dưới 5 năm, kéo kỳ hạn bình quân của 6 tháng đầu năm 2020 giảm về mức 3,9 năm so với mức 4,6 năm của cùng kỳ năm 2019. Kỳ hạn cao nhất thuộc về ngành Viễn thông và Tiện ích với giá trị lần lượt là 7 năm và 6,89 năm; tuy nhiên, giá trị phát hành của 2 nhóm này chỉ chiếm 5,64% tổng giá trị phát hành. Các ngành có tỷ trọng cao như bất động sản và ngân hàng có kỳ hạn phát hành trung bình lần lượt ở các mức 3,47 và 4,55 năm. Như vậy, so với các nhóm phát hành khác, trái phiếu bất động sản có kỳ hạn trung bình.

Trong nửa đầu năm 2020, tỷ trọng phát hành của các doanh nghiệp niêm yết đã vượt các doanh nghiệp chưa niêm yết. Giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp niêm yết tăng gần 70% so với cùng kỳ, trong khi nhóm doanh nghiệp chưa niêm yết chỉ tăng 14,4%.

Dẫn đầu danh sách các doanh nghiệp niêm yết có giá trị phát hành cao nhất là BID, VHM và MSN với giá trị lần lượt 15.168 tỷ đồng, 12 nghin tỷ đồng và 10 nghìn tỷ đồng.

Mirae Asset nhận định, trong bối cảnh huy động nguồn vốn từ phát hành thêm cổ phần đang gặp khó khăn, các doanh nghiệp niêm yết đã chuyển hướng huy động vốn sang phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã niêm yết có mức độ minh bạch thông tin tốt hơn các doanh nghiệp chưa niêm yết, do đó khuynh hướng gia tăng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết sẽ cung cấp cho nhà đầu tư sản phẩm tài chính minh bạch hơn.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp đã phát hành các trái phiếu có kỳ hạn khác nhau, tuy nhiên những nhà phân tích thị trường trái phiếu cũng đưa ra lưu ý, phần lớn doanh nghiệp đang chi trả lãi suất chung năm đầu tiên bằng nhau cho các kỳ hạn. Mức lãi suất ở các năm sau có sự thay đổi ở biên độ cộng thêm vào lãi suất tham chiếu.

Nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng mạnh sau thời gian giãn cách xã hội, bắt đầu từ tháng 5. Doanh nghiệp sẽ cần vay vốn để hồi phục sau dịch, tuy nhiên ngân hàng sẽ thắt chặt điều kiện cho vay để tránh những rủi ro nên các doanh nghiệp sẽ tăng phát hành trái phiếu.

Theo Mirae Asset, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công trong tháng 5 và tháng 6 tăng đến 72,6% so với cùng kỳ, đẩy tổng giá trị phát hành trong nửa đầu năm tăng 37,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tín dụng từ hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 6 tăng 9,3% so với cùng kỳ.

thi-truong-trai-phieu-2
Các ngân hàng thắt chặt cho vay là lý do chính khiến TPDN tăng trưởng nóng

 Sẽ siết chặt phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ ngày 1/9/2020

Sự phát triển của thị trường trái phiếu nói chung và thị trường TPDN nói riêng là tất yếu để tạo sự cân bằng và nâng cao chất lượng thị trường tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, mức tăng trưởng quá nóng giai đoạn gần đây tiềm ẩn nhiều rủi ro với sự bền vững của thị trường.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã liên tục phát đi cảnh báo, lấy ý kiến thị trường và đã chính thức ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành TPDN (văn bản có hiệu lực từ 1/2/2019 và là một trong những tác nhân cơ bản dẫn đến sự bùng nổ của thị trường TPDN giai đoạn gần đây).

Trong đó có sửa đổi một số nội dung đáng chú ý sau:

Thứ nhất, giới hạn quy mô phát hành TPDN riêng lẻ phù hợp với quy mô vốn của doanh nghiệp. Theo đó, Nghị định đã đưa thêm quy định yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Đặc biệt là quy định khối lượng trái phiếu được phát hành của tổ chức phát hành phải đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành không vượt qua 3 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất.

Đồng thời, dư nợ trái phiếu (tính thêm cả khối lượng dự kiến phát hành) và yêu cầu dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (riêng các tổ chức tín dụng không áp dụng quy định này).

Thứ hai, hạn chế tình trạng doanh nghiệp chia nhỏ đợt phát hành TPDN riêng lẻ theo nhóm, đợt khác nhau để tăng huy động từ các nhà đầu tư cá nhân. Nghị định đã giảm số lần phát hành trái phiếu của doanh nghiệp khi quy định các đợt phát hành phải cách nhau tối thiểu 6 tháng. Dù doanh nghiệp có thể tách nhiều lần phát hành trong mỗi đợt, nhưng quy định mới cũng yêu cầu mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin.

Thứ ba, xác định rõ mục đích sử dụng vốn trong hồ sơ phát hành TPDN riêng lẻ. Nghị định 81/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành trái phiếu trong hồ sơ phát hành. Đối với tổ chức tín dụng (TCTD) cần nêu cụ thể mục đích phát hành để tăng vốn cấp 2 và/hoặc sử dụng để cho vay, đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác.

Các thông tin này phải được công bố rõ ràng thể hiện qua cam kết của nhà đầu tư về việc đã tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin trước khi phát hành và hiểu rõ các rủi ro khi mua trái phiếu. Đồng thời, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của thị trường, thời gian công bố thông tin trước đợt phát hành được rút ngắn từ tối thiểu 10 ngày làm việc xuống tối thiểu 03 ngày làm việc.

Thứ tư, tăng cường tính chuyên nghiệp và khả năng giám sát đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp. Nghị định này quy định bắt buộc tổ chức phát hành ký hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành là tổ chức được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu.

Theo đó, tổ chức tư vấn phát hành phải có trách nhiệm rà soát việc đáp ứng các quy định về điều kiện phát hành và hồ sơ phát hành trái phiếu quy định tại Nghị định 81 cũng như các quy định pháp luật liên quan.

Thứ năm, yêu cầu công bố và tổng hợp thông tin thị trường rõ ràng hơn. Nghị định 81 yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện công bố thông tin đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Các tổ chức tư vấn phát hành báo cáo định kỳ về tình hình tư vấn phát hành và Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm tổng hợp các thông tin về TPDN và thực hiện báo cáo định kỳ tháng, quý, năm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Sửa đổi này sẽ có tác động tích cực đến việc công bố thông tin, tổng hợp được tình hình phát triển của thị trường, giúp cho cơ quan chức năng có thể kịp thời điều tiết sự phát triển của thị trường.

Theo nhận định của SSI, Nghị định 81/2020/NĐ-CP đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với tổ chức phát hành và các đơn vị trung gian khi thực hiện phát hành riêng lẻ nhưng không có quy định mới đối với phía nhà đầu tư. Kể từ 01/01/2021, khi Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực, các đợt phát hành riêng lẻ sẽ chỉ được phân phối đến nhà đầu tư chuyên nghiệp. Khi đó, Bộ Tài chính sẽ xem xét dỡ bỏ bớt các quy định tại Nghị định 81.

Như vậy thị trường sẽ thanh lọc gắt gao hơn đối với trái phiếu bất động sản cũng như trái phiếu các nhóm ngành khác.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top