Aa

Trái phiếu doanh nghiệp 6 tháng cuối 2023: Tiếp tục kỳ vọng những giải pháp tháo gỡ nào?

Thứ Sáu, 21/07/2023 - 16:30

Mặc dù thị trường TPDN đã có một số phản ứng tích cực nhưng số lượng và khối lượng phát hành mới trong những tháng cuối năm 2023 dự báo sẽ không có nhiều đột biến.

Còn áp lực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp 

Áp lực trái phiếu doanh nghiếu (TPDN) riêng lẻ đáo hạn tiếp tục tăng mạnh nửa cuối năm nay, đặc biệt là trong quý III/2023. Chính phủ sẽ cần thêm thời gian để giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại trên thị trường trái phiếu nhưng một số dấu hiệu tích cực đã dần lộ diện: Bên cạnh Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ giúp hỗ trợ thanh khoản của thị trường TPDN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng ban hành thông tư Thông tư 03/2023/TT-NHNN với nhiều quy định mở hơn cho phép ngân hàng được mua lại TPDN. Đây là các giải pháp thiết thực, kịp thời, hỗ trợ một phần thanh khoản cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Thị trường TPDN đã có một số phản ứng tích cực với các chính sách nhưng số lượng và khối lượng phát hành mới trong những tháng cuối năm 2023 sẽ không có nhiều đột biến. Ảnh minh họa

Đặc biệt là, để phát triển thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát, Bộ Tài chính (BTC) đã chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán phối hợp cùng Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) khẩn trương xây dựng và đưa Hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung và đưa vào hoạt động từ tháng 7/2023 để phát triển một thị trường thứ cấp minh bạch, tăng tính thanh khoản cho TPDN riêng lẻ. Cụ thể, Thông tư 30/2023/TT-BTC ngày 17/5/2023 của BTC đã hướng dẫn việc đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch TPDN chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước. Ngoài bên bán và bên mua trái phiếu với cơ chế giao dịch là thỏa thuận còn có sự tham gia của 03 bên: (i) thành viên lưu ký (các công ty chứng khoán), (ii) trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) và (iii) ngân hàng thanh toán.

Tuy nhiên, Saigon Ratings cho rằng, mặc dù thị trường TPDN đã có một số phản ứng tích cực nhưng số lượng và khối lượng phát hành mới trong những tháng cuối năm 2023 sẽ không có nhiều đột biến. Nguyên nhân do hiện nay nhiều doanh nghiệp không còn kỳ vọng nhiều vào phát hành mới TPDN mà sẽ ưu tiên tái cấu trúc doanh nghiệp. Thêm vào đó áp lực lạm phát và lãi suất huy động mặc dù có xu hướng giảm, nhưng từ nay đến cuối năm khó có thể giảm đủ mạnh để khiến TPDN trở nên hấp dẫn và khôi phục được niềm tin của nhà đầu tư. Đặc biệt là trong bối cảnh những rào cản trong điều kiện phát hành và phân phối trái phiếu riêng lẻ đã làm cho nhiều nhà đầu tư chưa lấy lại được niềm tin vào thị trường này. Dự báo tổng giá trị TPDN đang lưu hành sẽ giảm xuổng mức chỉ tương đương 11% GDP vào cuối năm 2023.

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn 

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ thị trường TPDN

Cần tiếp tục hoàn tiện phương thức hoạt động của Sàn giao dịch TPDN riêng lẻ để xây dựng niềm tin, hạn chế và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Ngày 19/7/2023, Bộ Tài chính đã đưa vào vận hành hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, tổng cộng 19 mã giao dịch trái phiếu đăng ký thành công ngay trong ngày đầu khai trương. Đây là giải pháp hết sức căn cơ để hướng tới mục tiêu dư nợ TPDN đạt 20% GDP vào năm 2025. Tuy nhiên, để hướng tới một thị trường trái phiếu phát triển bền vững, các cơ quan quản lý cần phải: (i) hoàn thiện khung pháp lý cho Sàn giao dịch, đảm bảo khả năng giám sát và thực thi chế tài của cơ quan quản lý; (ii) giám sát quá trình niêm yết và giao dịch một cách tự động và chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch và công bằng của của thị trường; và (iii) Tổ chức các sự kiện nhằm quảng bá, khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia vào sàn giao dịch này.

NHNN quyết liệt giảm mạnh lãi suất, kéo thấp mặt bằng lãi suất huy động, sẽ khiến lãi suất TPDN hấp dẫn hơn với nhà đầu tư. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cần xem xét chính sách cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua TPDN từ các nhà đầu tư hiện hữu là cá nhân theo phương án phát hành trái phiếu của SCIC, DATC và VAMC để hoán đổi cho nhà đầu tư và tham gia vào tái cấu trúc doanh nghiệp. Tuy nhiên, biện pháp hỗ trợ này chỉ nên giới hạn đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời về thanh khoản nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ trong trung và dài hạn vẫn đảm bảo hiệu quả.

Bên cạnh Thông tư 30/2023/TT-BTC, các Bộ, ngành, các cơ quan báo chí, tuyên truyền v.v.. cần khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về tính chuyên nghiệp và minh bạch tài chính: xây dựng báo cáo tài chính đầy đủ, chi tiết, tham gia Xếp hạng tín nhiệm, sử dụng vốn huy động từ TPDN đúng mục đích, có những cam kết chặt chẽ trong các điều khoản thanh toán, và đảm bảo các tỷ lệ an toàn tài chính trong phương án phát hành TPDN.

Ngân hàng Nhà nước cần quyết liệt hơn nữa trong việc giảm lãi suất huy động. Hiện lãi suất huy động đã có xu hướng giảm nhưng mặt bằng lãi suất huy nhìn chung vẫn ở mức cao khiến lãi suất của TPDN chưa đủ hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư. Trong trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu tăng mạnh lãi suất để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, điều này lại làm chi phí vốn tăng mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh của của doanh nghiệp. Một mức lãi suất huy động thấp hơn không những sẽ giúp làm giảm lãi suất cho vay mà còn khiến TPDN chở nên hấp dẫn, giải quyết được cơn khát vốn của cả nền kinh tế.

Tăng chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản 

Chính phủ và Quốc hội cần khẩn trương xây dựng và xem xét thông qua Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) và "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội".

Khẩn trương sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật nhằm tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn hiện nay liên quan đến triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản sao cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Nghiên cứu xây dựng và ban hành "Nghị định quy định về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị" để các địa phương thực hiện chính sách cho ngành bất động sản một cách thuận lợi và thống nhất.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung. Song song với đó, cần thúc đẩy thị trường bất động sản điều chỉnh cơ cấu sản phẩm hợp lý hơn, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.

Nâng tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư 

Cần tự trang bị cho mình sự chuyên nghiệp khi tham gia thị trường TPDN, nâng cao kiến thức, hiểu biết về TPDN. Cụ thể, các nhà đầu tư cần tích cực tìm hiểu, tham khảo các nguồn thông tin phân tích, đánh giá từ các công ty chứng khoán, công ty Xếp hạng tín nhiệm và các thành viên phân tích độc lập và từ đó có góc nhìn đa chiều về rủi ro của TPDN trước khi ra quyết định đầu tư.

Ông Lê Hoàng Quân và Nhóm nghiên cứu SAIGON RATINGS

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top