Aa

Trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, hút mạnh dòng tiền đầu tư

Thứ Sáu, 14/08/2020 - 14:50

6 tháng đầu năm có tổng cộng 818 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành đạt 156,32 nghìn tỷ đồng, tương đương với khoảng 6,7 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng ghi nhận lên tới gần 50% so với cùng kỳ.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa công bố tình hình phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) 6 tháng đầu năm 2020. Số liệu cho thấy TPDN vẫn đang tiếp tục xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Cụ thể, 6 tháng đầu năm đã có tổng cộng 818 đợt phát hành của 130 doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành đạt 156,32 nghìn tỷ đồng, tương đương với khoảng 6,7 tỷ USD.

So với cùng kỳ 2019, tốc độ tăng trưởng ghi nhận lên tới gần 50%, thậm chí có thể sẽ còn cao hơn do các thông tin phát hành vẫn được công bố và cập nhật sau đó. Hiện tổng lượng TPDN lưu hành ước khoảng 783.000 tỷ đồng, tương đương 12,8% GDP lũy kế 12 tháng gần nhất. Quy mô thị trường TPDN Việt Nam tăng trưởng bình quân tới 45%/năm giai đoạn từ 2017 đến 6 tháng năm 2020. Quy mô thị trường này đã vượt xa mục tiêu 7% GDP vào năm 2020 mà Chính phủ từng tính toán trước đây (theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn – SSI).

Lãi suất bình quân của TPDN hiện đang ở mức 9,3%/năm, kỳ hạn bình quân các trái phiếu phát hành trong kỳ là 3,9 năm. Các doanh nghiệp BĐS vẫn dẫn đầu về lãi suất huy động như Công ty CP BĐS Hưng Lộc Phát phát hành 100 tỷ đồng, kỳ hạn 1,5 năm với lãi suất 12%/năm; Công ty CP BCG Land huy động 350 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm, lãi suất 12%/năm; cá biệt Công ty CP đầu tư IDJ Việt Nam phát hành 10 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm có lãi suất cố định 13%/năm… Số lượng trái phiếu của nhóm này chiếm 50% tổng lượng phát hành, xếp sau đó là nhóm ngân hàng với 27% (báo cáo Công ty Chứng khoán MBS).

Theo Ông Nguyễn Đức Quân – Giám đốc công ty CP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (APS), TPDN phát triển mạnh nguyên nhân đến từ đặc tính an toàn của kênh này trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang chịu nhiều biến động, một phần là từ việc các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi tiết kiệm khiến dòng tiền từ kênh này chảy mạnh sang trái phiếu. 

Bên cạnh lãi suất cao, TPDN đang ngày càng ưu việt khi nhà đầu tư cá nhân có thể tiếp cận tiếp cận TPDN dễ dàng hơn thông qua các quầy giao dịch của các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán, đặt lệnh mua TPDN qua tài khoản chứng khoán, thậm chí một số doanh nghiệp còn phát hành app riêng như Abond của Công ty CP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương. Các lô trái phiếu có thể tách nhỏ đến 100.000 đồng như công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam để phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư cá nhân hay thời hạn đầu tư cũng rất linh hoạt nhờ trung gian thu xếp giao dịch hoặc cam kết mua lại từ các đại lý…

Số lượng nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp hiện đã đạt gần 22.700 tỷ đồng TPDN, tương đương 15%, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019. Cùng với việc Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2018/NĐ-CP sắp chính thức có hiệu lực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sắp tới sẽ còn sôi động hơn với sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top