Trong tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã phê duyệt chi một khoản chi mua trái phiếu xanh trị giá 20 triệu USD nhằm cung cấp vốn cho các dự án xây dựng hệ thống điện gió và điện mặt trời tại Philippines, Indonesia và Việt Nam. Một giao dịch lớn như vậy không khỏi thu hút sự chú ý của thị trường, tuy vậy, chắc chắn có những nhà quan sát phải đặt câu hỏi: “Vậy trái phiếu xanh là gì?”
Trái phiếu “xanh” được định nghĩa như một loại chứng khoán có thu nhập cố định nhằm thu hút vốn cho các dự án có lợi ích về môi trường. Theo đó, các khoản tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu này sẽ được cam kết đầu tư cho các chương trình tăng cường sự thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm các dự án năng lượng sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả, giao thông công cộng và nước sạch,… Trái phiếu “xanh” có thể được phát hành bởi chính phủ, các ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, các tổ chức tài chính quốc tế, các công ty,…
Châu Á trong quá trình phát triển hiện nay cần một số vốn khổng lồ để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của mình. Theo một báo cáo của ADB thì để các nước châu Á có thể tiếp tục giữ đà tăng trưởng kinh tế như hiện tại cần tới 2,8 nghìn tỷ USD chỉ dành riêng cho việc xây dựng đường xá và cầu cống. Nếu tính thêm cả các cam kết bảo vệ môi trường của từng nước thì gánh nặng này sẽ còn tăng lên nữa—các chuyên gia đã tính toán rằng Việt Nam cần có 30,7 tỷ USD chi đầu tư cho đến năm 2020 để giữ vững lộ trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo Nghị định thư Paris năm 2015.
Trái phiếu xanh chính là một giải pháp có tiềm năng để đáp ứng nhu cầu vốn xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, thường ngại rót vốn trực tiếp vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện môi trường phần vì rủi ro luôn hiện hữu trong quá trình xây dựng, phần vì rào cản pháp lý. Trái phiếu xanh được bảo hiểm bởi các ngân hàng có uy tín sẽ giúp những nhà đầu tư không còn phải lo lắng, từ đó thu hút được vốn cho dự án.
Bộ Nguyên tắc phát hành và sử dụng nguồn thu từ trái phiếu xanh (Green Bond Principles – GBP) năm 2014 được coi là tiêu chuẩn quốc tế cho loại hình thu hút vốn này yêu cầu tổ chức phát hành phải ghi chép rõ ràng, rõ nguồn gốc trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn thu được và báo cáo tình ít nhất một lần/năm đối với các bên liên quan. Nếu thực thi đúng quy trình thì trái phiếu xanh sẽ tạo áp lực lên bên thực hiện vốn phải thực hiện đúng những cam kết bảo vệ môi trường của mình.
Thị trường trái phiếu xanh trên thế giới đã phát triển khá mạnh trong vòng một thập kỷ qua. Chỉ riêng trong vòng nửa đầu năm 2018, đã có tất cả 156 doanh nghiệp, tổ chức phát hành số trái phiếu xanh tổng trị giá lên đến 74,6 tỷ USD, nhiều trái phiếu trong số đó được đánh giá hạng AAA hay AA. Các nước Châu Á hiện dẫn trước trong xu thế này, trong đó cả khu vực công và tư nhân của Trung Quốc đang nỗ lực đưa các ngân hàng của họ trở thành những nhà bảo hiểm trái phiếu xanh uy tín nhất thế giới.
Trái ngược lại, thị trường vốn Việt Nam vẫn còn chưa tồn tại khái niệm “trái phiếu xanh”. Ngay một dự án trái phiếu xanh giá trị lớn của ADB như đã đề cập ở trên cũng không có sự tham gia bảo hiểm của bất kỳ ngân hàng Việt Nam nào. Lúc này, chúng ta mới chỉ manh nha việc đưa các mục tiêu bảo vệ môi trường vào Trái phiều chính phủ, hay một số những quỹ ODA như Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF) và Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF) chịu trách nhiệm xét duyệt các khoản vay cấp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có sáng kiến cải tiến trong quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu các tác động có hại đến môi trường.
Về lâu dài, bỏ qua thị trường trái phiếu xanh là một bước đi sai lầm. Các dự án bảo vệ môi trường vì thế mà sẽ phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn chính phủ và vay nước ngoài không hoàn lại, mỗi loại hình đều tiềm ẩn rủi ro riêng. Trong khi đó, quá trình biến đổi khí hậu không hề ngừng lại. Kể cả một ngày chậm triển khai các sáng kiến, giải pháp phát triển bền vững, cũng sẽ buộc nhiều quốc gia trả cái giá đắt về vật chất và con người.
Năm 2017, Bộ tiêu chuẩn Trái phiếu xanh khu vực của ASEAN được chính thức phê chuẩn, và theo những quy định được ký kết hiện có ba nước Đông Nam Á là Malaysia, Singapore và Indonesia phát hành trái phiếu xanh được bảo đảm bởi ASEAN. Không có gì tình cờ khi cả ba nước trên cũng được xếp vào nhóm những quốc gia năng động trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã có sẵn cơ sở pháp lý, nhà đầu tư, và các dự án, vậy tại sao chúng ta không bắt tay ngay vào việc phát triển loại hình trái phiếu xanh? Lợi ích mà trái phiếu xanh đem lại còn hơn cả số tiền lãi mà nhà đầu tư nhận được. Đó là nền tảng cho một nền chính trị - kinh tế - xã hội phát triển công bằng và bền vững.