Aa

Trạng thái "bình thường mới" của lãi suất

Thứ Bảy, 26/12/2020 - 15:00

Mặc dù tín dụng tăng trưởng bứt phá nhưng lãi suất vẫn chưa cho thấy dấu hiệu đảo chiều tăng. Chuyên gia cho rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian dài và gọi đây là trạng thái "bình thường mới" của lãi suất

Thông tin mới đây từ Ngân hàng Nhà nước cho hay tính đến ngày 21/12/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,14% so với cuối năm 2019.

Theo ước tính của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 11%.

Trước đó, số liệu đến hết tháng 8/2020 cho thấy tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4,75%.

Lãi suất đã thiết lập mặt bằng mới thấp hơn đáng kể mặt bằng cũ (Ảnh minh họa)

Như vậy, tính trung bình 4 tháng cuối năm nay, tăng trưởng tín dụng đã đạt tới 1,56% mỗi tháng; trong khi đó chia trung bình 8 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,59% mỗi tháng.

Tốc độ tăng chênh lệch tới gần 3 lần phản ánh dư nợ tín dụng đang bứt phá rất nhanh trong bối cảnh dịch Covid-19 được khống chế rất tốt tại Việt Nam, nhu cầu vay vốn theo đó cũng gia tăng mạnh mẽ.

Thời gian trước đây, khi tăng trưởng tín dụng còn yếu, nhiều ý kiến lo ngại rằng nếu như tăng trưởng tín dụng bứt tốc trở lại thì áp lực huy động vốn sẽ tăng lên đáng kể, đẩy mặt bằng lãi suất dâng lên. Tuy nhiên thực tế đang không cho thấy điều này khi mặt bằng lãi suất hiện vẫn giữ ở mức thấp.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh gọi đây là trạng thái "bình thường mới" của lãi suất. "Tôi có niềm tin là lãi suất sẽ thấp và sẽ thấp kéo dài. Đây sẽ là trạng thái bình thường mới của lãi suất", ông Linh nhấn mạnh.

Trên cương vị là lãnh đạo điều hành ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng không nghiêng về khả năng lãi suất sẽ đảo chiều tăng mạnh khi nền kinh tế phục hồi trở lại.

"Nếu nền kinh tế vẫn ổn định, người dân tiếp tục làm ăn, trong nước kiểm soát được dịch, kiểm soát được lạm phát, GDP tiếp tục tăng lên thì mặt bằng lãi suất thấp hiện tại duy trì càng lâu càng tốt, thậm chí tiếp tục giảm nếu có thể", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết.

"Từ đầu năm chúng tôi không ngờ rằng có thể giảm được 3 lần lãi suất, có cơ hội là Ngân hàng Nhà nước giảm ngay", ông Tú nói thêm.

Giới phân tích cũng đồng quan điểm rằng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp.

"Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2021, trong bối cảnh áp lực lạm phát năm tới ở mức thấp. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ không cắt giảm lãi suất điều hành thêm nữa, chúng tôi không cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng lãi suất lên trong năm 2021, một động thái nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng", chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect nêu quan điểm.

Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước có thể hỗ trợ thị trường tiền tệ thông qua thị trường mở, gia tăng dự trữ ngoại hối, nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại hoặc lùi thời hạn áp dụng các tiêu chuẩn an toàn tài chính cao hơn đối với các ngân hàng thương mại.

"Chúng tôi cho rằng lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm 0,20 - 0,5 điểm% trong năm 2021 trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng và áp lực lạm phát hạ nhiệt", phía VNDirect cho biết.

Có phần tương tự, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng chưa có áp lực nào đủ lớn khiến lãi suất có thể tăng trở lại.

Nhiều lý do được công ty chứng khoán này đưa ra. Thứ nhất, chưa xuất hiện rủi ro thanh khoản đến từ nợ xấu.

Thứ hai, các chỉ số an toàn hoạt động không chịu áp lực. Cụ thể, việc tăng trưởng tín dụng dựa một phần vào trái phiếu doanh nghiệp giúp giảm áp lực lên tỷ lệ LDR khi tử số chỉ tính tới các khoản cho vay khách hàng; việc không trả cổ tức tiền mặt theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước giúp hệ số an toàn vốn CAR tăng lên; áp lực lên tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được giảm nhẹ khi Ngân hàng Nhà nước lùi thời hạn giảm mức trần của tỷ lệ này.

Thứ ba, áp lực thanh khoản từ tăng trưởng tín dụng được VCBS dự báo chưa xuất hiện trong 2020 và có thể phải tới cuối 2021 mới xuất hiện trở lại.

Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước dự kiến lấy con số tăng trưởng tín dụng 12% làm con số điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, đây không phải là mục tiêu mang tính pháp lệnh, do đó trong thực tế có thể nới lên 13%, thậm chí 14%.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top