Aa

Tranh cãi sổ đỏ dinh thự "Vua Mèo": Lý lẽ người trong cuộc

Thứ Tư, 22/08/2018 - 02:00

Cả Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang và ông Vương Duy Bảo đều có lý lẽ riêng của mình về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tòa dinh thự họ Vương.

Mới đây, ông Vương Duy Bảo (cháu nội "Vua Mèo" Vương Chí Thành) có đơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tòa dinh thự họ Vương (xã Sa Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang).

Ngay sau đó, ngày 16/8, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo tổng quan quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị của ông Vương Duy Bảo về các vấn đề liên quan đến tòa dinh thự họ Vương.

Dinh vua Mèo.

Dinh "Vua Mèo".

Chia sẻ với báo chí, ông Bảo rất bức xúc khi sổ đỏ tòa dinh thự họ Vương đã được cấp cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Văn để sử dụng lâu dài mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự họ Vương từ năm 2012.

"Sổ đỏ dinh thự này phải cấp cho chúng tôi bởi những người dòng họ Vương đã sinh sống ở đó hàng trăm năm nay", ông Bảo nói

Cháu nội của "Vua Mèo" thắc mắc, tại sao khi cấp sổ đỏ cho dinh thự họ Vương lại không áp dụng điều khoản về các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thuộc sở hữu tư nhân.

Về phía Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang, đơn vị này khẳng định, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn hoá Thông tin là "hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật".

Cụ thể, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hà Giang (đơn vị cấp sổ đỏ) dựa trên các căn cứ pháp lý, trong đó có Quyết định 937/QĐ-BT năm 1993 về việc công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật khu nhà họ Vương và khoản 1, điều 54, Nghị định số 181/2004 về việc thi hành luật Đất đai.

Theo đó, khoản 1 nêu: "Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh".

Trong khi đó, ông Bảo có những phân tích riêng để chứng tỏ việc cấp sổ đỏ này là sai luật. Thứ nhất, về Quyết định 937, ông Bảo cho biết, đây cũng chính là văn bản mà địa phương viện dẫn để yêu cầu người nhà họ Vương dời nhà để trùng tu di tích này làm bảo tàng hồi năm 2002. Mặc dù vậy, tinh thần của văn bản không có nghĩa là khi dời đi trong lúc trùng tu có nghĩa là từ bỏ quyền sở hữu với dinh thự.

Ông Bảo cũng dẫn ra Văn bản số 1125 năm 2002 của Bộ Văn hóa - Thông tin thông báo kết luận của Bộ trưởng Phạm Quang Nghị với đại diện gia đình sở hữu khu nhà của dòng họ Vương.

Văn bản 1125 nêu rõ: "Quyết định này (Quyết định 937) không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được quyền thừa kế hợp pháp". Ông Bảo cũng cung cấp Văn bản số 482 năm 2002 của UBND tỉnh Hà Giang hoàn toàn đồng ý với nội dung trên.

Thứ hai, về việc áp dụng khoản 1, điều 54 Nghị định số 181/2004, ông Bảo cho rằng: "Điều này còn những khoản khác. Trong đó có khoản quy định về đất có di tích lịch sử văn hóa thuộc sở hữu của tư nhân, vậy tại sao không áp dụng cho trường hợp nhà chúng tôi?". Cháu nội của "Vua Mèo" khẳng định, sẽ khởi kiện nếu gia đình không được trả lại quyền sở hữu tòa dinh thự họ Vương.

Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến sẽ có đoàn công tác làm việc tại tỉnh Hà Giang về việc bảo tồn và phát huy di sản dinh thự họ Vương.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top