Aa

Tránh “vỏ” đô thị, “ruột” nông thôn

Thứ Ba, 25/09/2018 - 14:01

Tránh “vỏ” đô thị, “ruột” nông thôn; Sai phạm trong dự án Hanoi BRT: “Luật Đấu thầu còn rất nhiều sơ hở"; Hà Nội: Lập hồ sơ vi phạm hơn 800 công trình xây dựng... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Tránh “vỏ” đô thị, “ruột” nông thôn

 Ở góc độ bất động sản, khi Hoài Đức chuyển hóa lên quận, chắc chắn bức tranh nhà đất sẽ thăng hạng. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ phải xem xét và xác định rõ các dự án đặc thù như động lực phát triển. Nếu không, dễ dẫn tới câu chuyện dù nhập vào nội đô nhưng quận vẫn tồn tại nhiều tiêu chí "treo".

TS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, trong định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội, phần đô thị hóa lên quận tăng lên rất nhanh. Quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt đến 2030 đạt tỷ lệ 40% đô thị hóa. Từ thực tế đó, việc đưa một số huyện thành quận là hợp xu thế. Tuy nhiên, với đặc thù riêng của Hoài Đức, cần xem xét đối chiếu và có kế hoạch thực hiện đủ các tiêu chí cơ bản theo Nghị định 1211 của Quốc hội. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

 Sai phạm trong dự án Hanoi BRT: “Luật Đấu thầu còn rất nhiều sơ hở"

Theo thông tin mới đây, TTCP đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của nhà thầu và chủ đầu tư - Sở Giao thông vận tải Hà Nội trong việc triển khai các gói thầu và gây thất thoát lãng phí ngân sách nhà nước. Vi phạm trong đấu thầu đã không còn là vấn đề mới trong các dự án giao thông, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, bài toán để giải quyết tính minh bạch trong đầu thầu tại các dự án xã hội vẫn còn gặp rất nhiều vướng mắc.

Luật sư Nguyễn Duy Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao & Cộng sự cho rằng: "Kết luận của TTCP đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm trong đấu thầu và triển khai các gói thầu của dự án Hanoi BRT. Tuy nhiên những sai phạm này có đến mức xử lý hình sự theo Điều 220 Bộ luật Hình sự quy định về “Tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và Điều 222, Bộ luật Hình sự quy định về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” hay không còn tùy thuộc vào hành vi và hậu quả từ hành vi trái pháp luật gây ra. Theo tôi, những sai phạm mà TTCP kết luận thì hầu như công trình dự án nào cũng mắc phải, không nhiều thì ít. Vấn đề ở đây là cần xem xét lại các quy định của pháp luật về đấu thầu và xây dựng có những lỗ hổng nào cần phải bít lại không".

Xem thông tin chi tiết tại đây

 Không gian xanh - Mảnh ghép còn thiếu giữa đô thị

Trước thực tế mảng xanh công cộng trong đô thị đang thiếu hụt trong khi nhu cầu ngày càng lớn, việc chia nhỏ nguồn vốn thông qua hình thức xã hội hóa, để doanh nghiệp tham gia vào phát triển hạ tầng xanh là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn còn nhiều bất cập bởi “miếng bánh lợi ích” từ việc phát triển các dự án không gian xanh chưa được chia đều cho các bên liên quan.

Chính quyền “khát” vốn để đầu tư xây dựng không gian xanh còn doanh nghiệp thì “khát” quỹ đất phát triển bất động sản để kinh doanh. Tưởng chừng như câu chuyện này sẽ được giải quyết một cách dễ dàng khi nhà nước đổi đất cho tư nhân để lấy vốn xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, dường như những “lỗ kim” quản lý còn quá lớn nên “con voi” doanh nghiệp vẫn có thể “chui lọt”. Dẫn đến việc, cảnh quan công cộng là tài sản chung nhưng lại bị biến thành “của riêng”.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có thêm 20 - 25 công viên cây xanh, hồ điều hòa tại các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông… Nhiều dự án đang dần được triển khai dưới hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) - đổi đất lấy hạ tầng giữa nhà nước và doanh nghiệp bất động sản. Và thực tế cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang rất hào hứng với hình thức này.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hà Nội: Lập hồ sơ vi phạm hơn 800 công trình xây dựng

Sáng ngày 24/9, Thường trực Thành uỷ, HĐND, UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị Giao ban trực tuyến Quý III/2018 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã.

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục đã có Báo cáo tại hội nghị về kết quả 1 năm thực hiện Kế hoạch 125/KH-UBND về việc khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.

Theo Báo cáo, 8 tháng đầu năm 2018, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 100% các công trình xây dựng (15.299 công trình) và lập hồ sơ vi phạm 824 trường hợp. Đáng chú ý, số công trình xây dựng không phép phát hiện 287 trường hợp (giảm 55,57%) và xây dựng trên đất nông nghiệp là 308 trường hợp (giảm 55,81%)…

Xem thông tin chi tiết tại đây

TP.HCM: Tương lai sẽ trở thành "mãnh hổ Á Châu"?

Báo cáo mới đây của Savills cho hay, Singapore là một ví dụ điển hình về một thành phố đắt đỏ, hiện đại bậc nhất châu Á. Được xếp hạng là 1 trong 5 thị trường bất động sản hàng đầu thế giới, Singapore cũng được biết đến với sự phát triển cao cấp và đắt giá khi một căn hộ penthouse tại trung tâm có giá lên đến hàng chục triệu USD. Còn tại Hong Kong, để sở hữu một căn nhà mặt phố tầm nhìn hướng ra “nóc nhà” The Peak, người mua phải bỏ ra đến 48 triệu USD.

Những con số này đã khiến bộ phận Kinh doanh Quốc tế Savills TP.HCM đặt ra câu hỏi: liệu việc định giá có thể được duy trì, hay các nhà đầu tư nên đánh giá lại chiến lược đầu tư của mình để đầu tư vào các thị trường khác như TP.HCM chẳng hạn?

Savills lý giải, Việt Nam đã trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn với sự tăng trưởng kinh tế to lớn trong 10 năm qua. Các nhà đầu tư nên đánh giá lại chiến lược đầu tư của họ hoặc xem xét đầu tư vào các thị trường mới nổi như TP.HCM, bởi giá trị gia tăng thật sự vượt trội nếu so sánh với các thị trường đắt đỏ kể trên.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top