Aa

Trẻ bị sởi, bố mẹ cần làm gì?

Thứ Sáu, 18/01/2019 - 08:20

Trong thời điểm đông xuân, dịch sởi bùng phát mạnh mẽ, số lượng người phải nhập viện tăng cao vì thế bố mẹ cần theo dõi và có những biện pháp phù hợp.

Cẩn trọng dịch sởi bùng phát cận Tết

Ngay những ngày đầu năm 2019, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sởi phải nhập viện. Do vậy các chuyên gia y tế lo ngại dịch bệnh sởi có thể bùng phát vào thời điểm giáp Tết.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 7 đến 13/1), trên địa bàn thành phố ghi nhận 9 trường hợp mắc sởi đầu tiên trong năm 2019.

soi

Các y, bác sĩ chăm sóc bệnh nhân mắc sởi tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Người đưa tin)

Lo lắng về nguy cơ dịch tại Thủ đô, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cảnh báo, diễn biến thời tiết như hiện nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh sởi phát triển. Hơn nữa, do lo ngại các phản ứng sau tiêm chủng, nên không ít phụ huynh không cho con tiêm chủng đầy đủ.

Ngày 16/1, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã ban hành văn bản, kêu gọi người dân bao gồm cả trẻ em lẫn người lớn tuổi chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cần đến ngay cơ sở y tế để tiêm phòng.

Văn bản ghi rõ, hiện đang trong mùa đông xuân, với sự gia tăng giao lưu, du lịch, cùng với tỷ lệ tiêm vắc xin còn chưa cao tại khu vực có mật độ dân cư cao, thường xuyên biến động dân cư, các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống khó tiếp cận dịch vụ y tế.

Đồng thời, dịch sởi thường có chu kỳ 4 - 5 năm một lần, hiện đang nằm trong chu kỳ dịch, vì vậy dịch bệnh rất dễ bùng phát nếu không thực hiện các biện pháp đáp ứng kịp thời.

Do đó, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo chủ động phòng ngừa dịch bệnh theo các cách sau:

Người dân chủ động đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Nên đưa trẻ đi tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương. Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin sởi cần được tiêm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.

Bên cạnh tiêm chủng, người dân cần giữ gìn vệ sinh khu vực và gia đình để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát.

Phải thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa ...), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

Giữ gìn vệ sinh chung bằng cách lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 - 2 lần/ngày. Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày.

Khi phát hiện có dịch bệnh tại khu vực, hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch; hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Khi mắc bệnh nên cho trẻ nghỉ học ở nhà để điều trị, tránh lây lan.

Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Để phòng chống bệnh sởi, giảm số trẻ không được tiêm vắc xin qua nhiều năm, Bộ Y tế đã tổ chức 02 chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella tại 88 huyện của 19 tỉnh có nguy cơ cao và tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi cho khoảng 4,2 triệu trẻ tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố từ cuối năm 2018 đến nay, đồng thời đẩy mạnh tiêm vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng...

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top