Aa

Trẻ em Thủ đô sẽ không thiếu sân chơi

Thứ Bảy, 10/09/2016 - 06:37

Từ nhiều năm nay, nhóm Think Playgrounds (Sân chơi trong thành phố) với thành viên chủ yếu là kiến trúc sư trẻ đã tạo ra rất nhiều sân chơi cho trẻ em Thủ đô.

Thành viên chủ chốt của nhóm Think Playgrounds phần lớn là kiến trúc sư trẻ. Tất cả đều đã đi làm và chỉ có thể làm sân chơi vào cuối tuần. Ngoài ra còn có rất nhiều tình nguyện viên và các tổ chức khác hỗ trợ.Cảm hứng tạo các sân chơi đến từ 1 dự án trước đó, dự án xây cầu trượt con Rùa tại Hồ Gươm do bà Judith Hansen - 1 công dân Mỹ hơn 70 tuổi khởi xướng. Tuy dự án đó không thành công, nhưng giúp các thành viên trong nhóm nhận ra Hà Nội không chỉ thiếu không gian công cộng mà còn rất thiếu trò chơi vận động, kích thích khám phá cho trẻ em.Hai thành viên tiên phong của nhóm là Kim Đức và Quốc Đạt đã bắt tay vào làm sân chơi miễn phí bằng đồ tái chế, nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của những kiến trúc sư khác.

Các thành viên nhóm tận dụng gỗ và đồ tái chế để làm đồ chơi

Các thành viên nhóm tận dụng gỗ và đồ tái chế để làm đồ chơi

Kế hoạch được cả nhóm xây dựng, chia sẻ, cùng thực hiện. Mỗi người có thế mạnh khác nhau và điều đó làm dự án trở nên đa dạng hơn. “Think Playgrounds” đã tiên phong mày mò, tìm kiếm những giải pháp đơn giản, hiệu quả để xây dựng thành công nhiều sân chơi trong thành phố. Các món đồ chơi bằng chất liệu tái chế hoặc gỗ, rất thân thiện môi trường và khuyến khích trẻ vận động cơ bắp, khả năng giữ thăng bằng, khám phá mạo hiểm…  Hàng loạt những sân chơi bổ ích đã ra đời từ niềm say mê cống hiến của người trẻ.

Sân đình phường Ngọc Hà, ngõ 158 Đội Cấn cứ cuối tuần lại được Đoàn thanh niên “hô biến” thành công viên mini với đủ trò: xích đu, cầu trượt, các trò leo trèo, vận động hiện đại được xếp bên cạnh những trò chơi dân gian nổi tiếng một thời như ô ăn quan, cà kheo… Mọi đồ chơi đều do các thành viên nhóm Think Playground sáng tạo nên.

 Chẳng ai có thể ngờ sân đình vốn “mặc định” là không gian công cộng truyền thống, chỉ dành cho, các cụ bô lão trong làng thì nay bỗng trở thành khu vui chơi bổ ích của trẻ.

 Khoảng sân đình vốn tôn nghiêm tồn tại trong văn hoá làng xã Việt chỉ mở cửa khi có các hoạt động lễ hội đặc biệt và thường “ngủ” yên trong năm nay được “đánh thức” với đủ mô hình hấp dẫn.
 
Rất nhiều trẻ em nước ngoài cũng hào hứng vào sân đình chơi

Rất nhiều trẻ em nước ngoài cũng hào hứng vào sân đình chơi

Sân chơi trong khu tập thể Trung Tự (quận Đống Đa) dù chật hẹp vẫn có cầu trượt và xích đu cho trẻ em vui chơi sau giờ học.

Ảnh do nhóm Think Playground cung cấp

Cầu trượt ở sân tập thể Trung Tự được lắp ghép quanh thân cây, vừa tiết kiệm chi phí vật liệu, vừa tranh thủ bóng mát.

Công viên Yên Sở cũng dành một khoảng sân rộng cho những trò chơi vận động lành mạnh do nhóm Think Playgrounds sáng tạo nên.
 
 
 Sân chơi Con voi trong khu tập thể Kim Liên lúc nào cũng lấp lánh nụ cười trẻ thơ trên xích đu.
 

Nhóm Think Playgrounds cũng là nhóm tiên phong đưa các trò chơi dân gian đến không gian phố cổ. Nhóm đã từng tổ chức các đêm hội vui chơi cho trẻ ở các tuyến phố đi bộ với nhiều trò hấp dẫn như cà kheo, cầu trượt, ô ăn quan...

Theo các thành viên của nhóm, một cầu trượt loại nhỏ, tùy bệ trượt và loại gỗ sử dụng có giá khoảng 2 triệu đồng/chiếc, xích đu dao động khoảng 4,5 triệu đồng/chiếc… Muốn lấp đầy đồ chơi cho một sân nhỏ khu tập thể cũ, chi phí mà tổ dân phố bỏ ra dao động trên dưới 10 triệu đồng, nhưng ý nghĩa thì vô cùng lớn.

ThS.KTS Chu Kim Đức - thành viên nhóm Think Playgrounds, bất cứ tổ dân phố nào mong muốn tạo sân chơi mới cho trẻ, hãy kết nối với nhóm. Nhóm sẽ vận động thêm từ cộng đồng mạng, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ kinh phí… Người dân chủ yếu góp công sức, vật liệu và đồng hành quản lý bảo dưỡng sân chơi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top