Trẻ hóa đô thị - Cơ hội mang lại sức sống mới cho các đô thị Việt Nam

Trẻ hóa đô thị - Cơ hội mang lại sức sống mới cho các đô thị Việt Nam

Thứ Hai, 20/01/2025 - 06:17

Đô thị là một thực thể vô cùng phức tạp. Cơ chế vận hành của chúng có tính hệ thống và có thể xem như một cơ thể sống. Và theo đúng quy luật "sinh - diệt" của vạn vật, đô thị cũng trải qua tiến trình hình thành và suy thoái. Tuy nhiên, mỗi thành phố có tiến trình này diễn ra dài ngắn khác nhau. Có những thành phố chỉ tồn tại vài chục năm, nhưng có những đô thị trải qua lịch sử hàng ngàn năm, như Hà Nội của chúng ta, đến nay đã hơn 1.000 năm tuổi.

Sự suy yếu và lụi tàn của các đô thị có thể diễn ra cục bộ hoặc toàn bộ, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Ở các khu vực cổ, cũ trong các đô thị lâu đời, do cơ sở vật chất như nhà cửa, đường sá theo thời gian bị xuống cấp không đảm bảo điều kiện sử dụng, khiến cho sức sống đô thị yếu dần. Ngược lại, các đô thị mới hình thành chóng vánh từ một loại hoạt động kinh tế như khai khoáng hoặc nghỉ dưỡng có thể suy yếu nhanh chóng khi thị trường suy thoái, sẽ kéo theo sự xuống cấp không gian. Đô thị cũng có thể bị tàn phá bởi thiên tai như động đất, sóng thần, bão lũ hay nhân tai như hỏa hoạn, chiến tranh.

Nhưng dù bị tác động bởi bất cứ nguyên nhân nào, thì quá trình suy thoái hay "lão hóa" các thành phố vẫn xảy ra như quy luật tất yếu của vạn vật. Vì vậy, "trẻ hóa" đô thị là sự can thiệp có tính chủ động để ngăn chặn và đảo ngược quá trình "lão hóa", nhằm củng cố hoặc mang lại sức sống mới cho các khu vực đang gặp vấn đề hay các thành phố đang trong quá trình suy thoái.

Một cách khái quát nhất, chúng ta có thể xem "trẻ hóa đô thị" là tất cả các sáng kiến và nỗ lực mang lại sức sống mới cho các đối tượng không gian đô thị hiện hữu. Các sáng kiến này không chỉ giới hạn ở cải tạo không gian như đường sá, nhà cửa, công trình đang xuống cấp hoặc sử dụng không hiệu quả, mà bao hàm cả việc phục hồi đời sống kinh tế xã hội của khu vực, phân phối lại các cơ hội tới mọi nhóm cư dân đô thị, bảo vệ môi trường, tăng cường sự thịnh vượng cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho khu vực và toàn đô thị.

Theo cách hiểu trên thì trẻ hóa đô thị có nội hàm rất rộng, bao trùm mọi sáng kiến, chương trình, giải pháp để cải thiện đô thị ở tất cả các quy mô không gian lớn nhỏ khác nhau: Từ vực dậy một thành phố đang trên đà suy thoái, cải tạo một khu dân cư cũ, tái sử dụng thích nghi một nhà máy đã dừng hoạt động, bảo tồn và khai thác tối ưu một di sản, hay hoạt hóa một không gian trống đang để phí nhằm phục vụ cộng đồng. Trẻ hóa đô thị cũng bao trùm các nghiên cứu và thực hành đa ngành gồm quy hoạch, kiến trúc, phát triển kinh tế, công bằng xã hội, quản lý môi trường, chính sách và thể chế, sự tham gia và đồng thực hiện.

Chúng ta có thể tham khảo các kinh nghiệm quốc tế theo tinh thần "tư duy toàn cầu, hành động địa phương" (Think globally, Act locally) để tìm ra những hướng tiếp cận vừa kế thừa các bài học chung, vừa hiệu quả và phù hợp với các đặc thù của từng đô thị Việt Nam, cụ thể cho từng vấn đề, từng địa điểm, từng thời điểm.

Sẽ là quá tham vọng để tổng quan các kinh nghiệm quốc tế liên quan đến trẻ hóa đô thị trong bài viết này. Một số cách làm điển hình sẽ được giới thiệu nhanh dưới đây để gợi mở cho chúng ta cách tư duy và hành động trước những vấn đề đặc thù của các đô thị Việt Nam.

Theo dòng lịch sử, những nỗ lực cải tạo đô thị (Urban Renewal) đầu tiên xuất hiện ở Anh và nhiều nước châu Âu từ thế kỷ 19 như một phương thức cải cách xã hội. Một ví dụ điển hình là quá trình cải tạo thành phố Paris của công tước Haussmann - được Hoàng đế Pháp Napoléon III ủy quyền, thực hiện trong khoảng hơn nửa thế kỷ (từ 1853 đến 1927). Quá trình này đã xóa bỏ hoàn toàn các khu dân cư thời Trung cổ, thay thế chúng bằng các đại lộ rộng rãi, công viên, quảng trường mới, có hạ tầng cấp thoát nước cùng các công trình kiến trúc mới. Diện mạo của trung tâm Paris ngày nay phần lớn là kết quả của quá trình cải tạo vĩ đại trên. Ở Mỹ, các chương trình Urban Renewal được chính quyền liên bang và các bang thực hiện ồ ạt sau Thế chiến II cũng đã tiến hành theo cách này.

Trẻ hóa đô thị - Cơ hội mang lại sức sống mới cho các đô thị Việt Nam- Ảnh 1.

Phố Réaumur trước và sau đồ án cải tạo Paris của Haussmann. (Ảnh: Dkyscrapercity.com)

Mặc dù cách làm mạnh mẽ và quyết liệt như trên đã góp phần tạo nên những đô thị có diện mạo và cơ sở hạ tầng hiện đại trên quy mô lớn, nhưng chúng cũng bị phê phán là "thô bạo", đã xóa bỏ nhiều phần lịch sử của các thành phố, phá hủy các cộng đồng hiện hữu, gây những tổn thương sâu sắc về mặt xã hội mà phải nhiều chục năm sau mới có thể nguôi ngoai.

Cách làm tương tự, dưới tên gọi Urban Redevelopment (tái phát triển) cũng được áp dụng phổ biến tại Singapore trong chương trình kiến thiết lại quốc đảo này sau Thế chiến II, hay Urban Regeneration (tái sinh đô thị) được áp dụng tại Nhật Bản trong nỗ lực xóa bỏ các khu dân cư cũ với những ngôi nhà bằng gỗ không có khả năng tồn tại khi có động đất và hỏa hoạn.

Đặc trưng chung của cách tiếp cận này đòi hỏi nguồn lực lớn, năng lực quản lý chuyên nghiệp và quyết tâm chính trị cực lớn của các cấp chính quyền mà không phải ở đâu và lúc nào cũng sẵn có. Vì vậy, cách tiếp cận này không thực sự phù hợp trong bối cảnh Việt Nam.

Gentrification là một dạng "trẻ hóa" đô thị có bản chất hoàn toàn khác. Gentrification (tạm dịch là trưởng giả hóa) là quá trình các khu vực dân cư cũ (vốn là nơi ở của tầng lớp lao động nghèo) ở các vị trí khá trung tâm biến đổi thành các khu phố sang trọng, kiểu cách bởi các cư dân mới, giàu có. Quá trình này thường khởi đầu bởi những cá nhân có tiền, có ý tưởng và có gu (như các văn nghệ sĩ thành đạt), người này rủ người kia, mua lại các bất động sản giá rẻ của người nghèo trong trung tâm, xây lại hoặc cải tạo thành các ngôi nhà sang trọng và có phong cách. Với sự hưởng ứng và hỗ trợ của chính quyền, việc này dần tạo thành một xu hướng mạnh mẽ.

Đây là một quá trình "trẻ hóa đô thị" gây nhiều tranh cãi. Một mặt Gentrification cải thiện chất lượng đô thị và làm tăng giá trị kinh tế của một khu dân cư, nhưng mặt khác nó đã "thay máu" toàn bộ khu vực khi những cư dân cũ dần dần bị "đẩy ra ngoài" bởi động lực thị trường, "nhường lại" nơi ở lâu năm của họ cho những người giàu có hơn. Xét trên khía cạnh xã hội nói riêng và trên quan điểm phát triển đô thị nói chung, Gentrification - hay "trưởng giả hóa" như chính cái tên người ta gán cho nó, mang hàm ý không mấy tích cực. Quá trình chuyển hóa đô thị kiểu này đã không mang lại cơ hội cho tất cả. Thậm chí những người nghèo, nhóm cần được ưu tiên hỗ trợ nhất, lại bị đẩy ra xa hơn và càng khó khăn hơn.

Revitalization (hồi sinh đô thị) là cách tiếp cận "trẻ hóa" ra đời sau, có mục tiêu toàn diện hơn và cách làm đạt hiệu quả bền vững hơn. Hồi sinh đô thị chú trọng việc cải thiện kinh tế khu vực và bảo vệ các cộng đồng dân cư hiện hữu thông qua cải tạo cơ sở hạ tầng, đặc biệt là không gian công cộng. Revitalization không tiến hành xóa bỏ các công trình, mà ưu tiên bảo tồn, cải tạo, giữ lại và sửa chữa những gì còn dùng được; thông qua cải thiện không gian để kích hoạt và đa dạng hóa các hoạt động kinh tế xã hội. Văn hóa được xem là yếu tố đòn bẩy. Các khía cạnh về môi trường, sinh thái, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, áp dụng các công nghệ thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu và dịch bệnh cũng được lồng ghép trong các dự án "hồi sinh".

Với cách tiếp cận đa chiều và tích hợp như vậy nên các dự án kiểu "hồi sinh" rất đa dạng về quy mô và nội dung, cũng rất đa dạng về cách làm, được "may đo" cụ thể cho từng khu vực hoặc đối tượng. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều dự án trẻ hóa đô thị theo cách tiếp cận "hồi sinh" rất thành công trên thế giới, đặc biệt khi áp dụng cho các khu vực chuyển đổi chức năng, các hạ tầng kỹ thuật cũ không còn sử dụng, các không gian công cộng bỏ hoang.

Một ví dụ trẻ hóa đô thị xuất sắc theo cách "hồi sinh" là dự án cải tạo quảng trường Campus Martius tại thành phố Detroit, bang Michigan, Mỹ. Từ một thành phố được coi là "kinh đô" ngành công nghiệp sản xuất ô tô của thế giới, Detroit bắt đầu thoái trào vào nửa cuối của thế kỷ 20 và tuyên bố phá sản vào năm 2013. Detroit đối diện với hàng loạt vấn đề từ kinh tế kiệt quệ, thất nghiệp, dân số suy giảm, đến tội phạm gia tăng và xung đột xã hội sâu sắc.

Chiến lược hồi sinh Detroit thực sự khởi sắc khi dự án cải tạo công viên - quảng trường Campus Martius được thực hiện. Ban đầu, đây chỉ là một bùng binh giao thông nằm trong trung tâm thành phố. Sau khi hồi sinh từ các ý tưởng thiết kế sáng tạo được hiện thực hóa bởi quá trình tham gia hiệu quả của chính quyền, người dân, các doanh nghiệp và chuyên gia tư vấn, nơi này đã trở thành "trái tim" của Detroit, hằng năm thu hút hơn 2 triệu người đến thăm, trung bình 5.000 người ghé chơi mỗi ngày. 

Trẻ hóa đô thị - Cơ hội mang lại sức sống mới cho các đô thị Việt Nam- Ảnh 2.

Công viên - quảng trường Campus Martius ngày nay. (Ảnh: Tripadvisor)

Không gian công cộng này đã là đòn bẩy thu hút hơn 2 tỷ USD đầu tư vào các bất động sản xung quanh, tạo ra khoảng 20 ngàn công ăn việc làm mới, thu hút các hãng lớn quay lại thành phố đầu tư; tỷ lệ các văn phòng trống trong khu vực giảm dần. Dự án Campus Martius đã trở thành biểu tượng cho sự hồi sinh của thành phố Detroit, là một ví dụ truyền cảm hứng cho các ý tưởng "trẻ hóa đô thị" theo phương pháp "kiến tạo nơi chốn" (Place Making).

Một ví dụ thú vị khác là Quận Nghệ thuật 798 (798 Art Zone) ở ngoại ô Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Gọi là "quận" vì tổ hợp nghệ thuật này hình thành trên nền không gian rộng 60ha của một khu liên hợp công nghiệp cũ do Cộng hòa Dân chủ Đức và Liên Xô giúp đỡ Trung Quốc xây dựng vào những năm 1950. Sau hơn nửa thế kỷ vận hành, các nhà máy trong khu liên hợp phải đóng cửa do không còn hiệu quả. Thật may mắn, toàn bộ khu liên hợp công nghiệp này đã không bị phá bỏ mà được chuyển đổi thành một trung tâm văn hóa nghệ thuật khổng lồ có sức hấp dẫn vượt ngoài biên giới Trung Quốc. Các nhà xưởng hoành tráng với vẻ đẹp kiến trúc mạnh mẽ của trường phái Bauhaus đã may mắn được giữ lại.

Trẻ hóa đô thị - Cơ hội mang lại sức sống mới cho các đô thị Việt Nam- Ảnh 3.
Trẻ hóa đô thị - Cơ hội mang lại sức sống mới cho các đô thị Việt Nam- Ảnh 4.
Trẻ hóa đô thị - Cơ hội mang lại sức sống mới cho các đô thị Việt Nam- Ảnh 5.
Trẻ hóa đô thị - Cơ hội mang lại sức sống mới cho các đô thị Việt Nam- Ảnh 6.

Quận Nghệ thuật 798 (798 Art Zone) ở ngoại ô Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Sưu tầm)

Người ta không phải làm gì nhiều, chính các di sản công nghiệp đó đã tạo cảm hứng đặc biệt cho các văn nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật. Đến đầu những năm 2000, 798 Art Zone đã "bùng nổ" sức hút: Trở thành nơi tổ chức hàng loạt các triển lãm trưng bày nghệ thuật đa dạng, đặc biệt là các sự kiện lớn nhất như Tuần lễ Thiết kế Trung Quốc (China Design Week) hay Triển lãm Nghệ thuật quốc tế Bắc Kinh (Beijing Biennale). Đây cũng là nơi đặt trụ sở của UCCA (Trung tâm Nghệ thuật đương đại Trung Quốc), CAFA (Học viện Hội họa trung ương Trung Quốc), cùng văn phòng, xưởng sáng tác của các nghệ sĩ hàng đầu Trung Quốc và quốc tế. Tính đến nay, số du khách tới 798 Art Zone đã lên đến 75 triệu người, và trở thành hình mẫu xuất sắc trong "trẻ hóa đô thị" thông qua phát triển văn hóa nghệ thuật kết hợp bảo tồn di sản công nghiệp.

Quy mô vừa phải, ý tưởng sáng tạo, hướng tới giá trị cho toàn xã hội, hợp tác đa bên là những yếu tố mang lại thành công cho 2 ví dụ trên, giúp chúng ta thêm lạc quan và hứng khởi trong những nỗ lực tìm kiếm các ý tưởng để "trẻ hóa" cho các đô thị Việt Nam.

Quá trình đô thị hóa ở nước ta diễn ra mạnh mẽ trong hơn 3 thập kỷ qua và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện nay, hơn 40% người dân Việt Nam sống tại hơn 900 đô thị lớn nhỏ. Mức độ đô thị hóa Việt Nam được dự báo sẽ đạt 50% vào năm 2040 và 57% vào 2050.

Tuy nhiên, trong bức tranh đô thị hóa đầy năng động trên, sự quan tâm và ưu tiên về nguồn lực cũng như cơ chế chính sách chủ yếu được dành cho phát triển mới, chứ không phải cải thiện các khu vực đô thị hiện hữu. Cùng với quy hoạch ưu tiên mở rộng của các thành phố là hàng trăm dự án khu đô thị mới (mà một phần không nhỏ được thúc đẩy bởi đầu cơ bất động sản) có cơ sở hạ tầng và kiến trúc khá hoàn chỉnh, hiện đại, trong khi các khu dân cư cũ trong khu vực nội thị đang ngày một quá tải và xuống cấp. 

Trẻ hóa đô thị - Cơ hội mang lại sức sống mới cho các đô thị Việt Nam- Ảnh 7.

Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ trong hơn 3 thập kỷ qua và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao. (Ảnh minh hoạ: Bùi Văn Doanh)

Mặc dù vấn đề cải tạo, chỉnh trang các khu vực đô thị cũ có được nhắc đến trong các Quy hoạch chung đô thị, nhưng trên thực tế không được thực hiện rốt ráo do nhiều nguyên nhân; trong đó có thể kể đến như tính phức tạp của hiện trạng, lợi nhuận không cao nên không thu hút được nhà đầu tư, nguồn lực công hạn chế, vòng đời dự án quá dài so với nhiệm kỳ chính trị, thiếu các công cụ pháp lý cần thiết và thiếu kinh nghiệm triển khai, quản lý. Cải tạo đô thị trên quy mô lớn đã, đang và sẽ vẫn là thách thức, là bài toán hóc búa của các đô thị Việt Nam.

Ở một diễn tiến khác, chúng ta lại chứng kiến hàng loạt dự án tái phát triển đô thị chuyển đổi các cơ sở công nghiệp cũ sang chức năng dân dụng theo cách phá bỏ hoàn toàn nhà xưởng cũ để xây dựng chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại.

Điều này không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà còn ở nhiều thành phố khác. Tại thành phố Nam Định, toàn bộ nhà máy dệt Nam Định - cơ sở dệt may lớn nhất Đông Dương một thời và là chiếc nôi của ngành công nghiệp nhẹ Việt Nam sau thống nhất đất nước - một biểu tượng của Thành Nam, một di sản công nghiệp xuất sắc và đúng nghĩa nhất, đã bị xóa bỏ để nhường chỗ cho một khu đô thị mới lai căng, không bản sắc.

Mô hình tái phát triển kiểu này đã diễn ra khá phổ biến trong hơn 10 năm qua, giờ đây đang chịu phê phán mạnh mẽ là cách tiếp cận hạn hẹp: Không những không giúp giải quyết vấn đề mà còn tăng thêm áp lực lên các đô thị hiện hữu; chủ yếu mang lại lợi ích cho nhà đầu tư và nhóm khách hàng khá giả; không chia sẻ cơ hội tốt hơn cho toàn xã hội. Ngoài ra, cách làm này đã vô tình phá hủy rất nhiều di sản kiến trúc và đô thị, đặc biệt là các di sản công nghiệp; cũng không tiệm cận đến các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Tuy bức tranh "trẻ hóa đô thị" ở nước ta chưa có nhiều khởi sắc, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội quý, tính khả thi cao, cần được nhìn nhận và thúc đẩy.

"Trẻ hóa đô thị" bằng cải tạo không gian công cộng

Gần đây, chúng ta bắt đầu ghi nhận một số dự án "trẻ hóa" quy mô nhỏ nhưng rất ý nghĩa và có tác dụng dẫn truyền tốt. Đó là những dự án cộng đồng tập trung vào việc cải thiện không gian công cộng đô thị. Với cách tiếp cận hoàn toàn mới, từ dưới lên, tập trung vào xây dựng tiến trình đồng tâm hiệp lực của nhiều bên, trong đó phải kể đến cộng đồng dân cư khu vực, các tổ chức trong nước và quốc tế, các mạng lưới xã hội tự nguyện, các nhà tài trợ, giới chuyên môn và chính quyền sở tại, các dự án này đã "đánh thức" những không gian hoang hóa, nhếch nhác, những nơi đã từng bị thờ ơ, vùi dập bằng rác thải, bị xa lánh vì ô nhiễm; trở thành những không gian công cộng sống động.

Có thể nêu ra một vài điển hình như dự án sân chơi tổ 6 phường Phúc Tân, dự án Vườn rừng bờ Vở sông Hồng, dự án phố nghệ thuật Phúc Tân tại Hà Nội; hay một số dự án sân chơi cộng đồng ở TP. Hội An, dự án làng nghệ thuật Tam Thanh ở Quảng Nam.

Trẻ hóa đô thị - Cơ hội mang lại sức sống mới cho các đô thị Việt Nam- Ảnh 8.

Dự án làng nghệ thuật Tam Thanh ở Quảng Nam. (Ảnh: Đắc Thành)

Tại sao những dự án nhỏ này lại có ý nghĩa lớn? Hãy thử hình dung, một thành phố gần 10 triệu dân như Hà Nội với diện tích không gian công cộng thực tế bình quân dưới 2m2/người, thấp hơn 1/5 chuẩn của Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) là 10m2/người và dưới 1/10 chuẩn của các nước phát triển như Úc là 26m2/người, thì bất cứ 1m2 không gian công cộng nào phục vụ người dân cũng đều có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. Nếu những dự án nhỏ được nhân rộng trên quy mô toàn thành phố, thì chắc chắn chúng ta sẽ thấy được hiệu quả to lớn của tiến trình này.

Một trong các dự án nghiên cứu thuộc Chương trình ALP 2023 - 2024 Tương lai Không gian sống Việt Nam, do LIXIL khởi xướng dưới sự bảo trợ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đã đề xuất các giải pháp sáng tạo và khả thi, khi chuyển đổi một bãi chôn lấp rác thải thành công viên thể thao cho TP.HCM. Mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng cho các tình huống tương tự tại nhiều địa phương.

"Trẻ hóa đô thị" bằng chuyển đổi các cơ sở công nghiệp thành các không gian sáng tạo

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội tháng 11/2019 về việc tổ chức rà soát và lập danh mục các cơ sở công nghiệp trong nội thành Hà Nội phải di dời do ô nhiễm và không phù hợp với quy hoạch, thành phố sẽ di chuyển 92 cơ sở công nghiệp cũ ra khỏi nội đô. Theo kết quả điều tra đánh giá của các chuyên gia đô thị và di sản trong Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, trong số 9 cơ sở có kế hoạch di dời trước năm 2028, có một số cơ sở có giá trị di sản công nghiệp xuất sắc là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Bia rượu và Nước giải khát Hà Nội…

Từ thành công rực rỡ của Quận Nghệ thuật 798 tại Trung Quốc và hàng loạt các ví dụ thành công khác trên thế giới, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện "trẻ hóa đô thị" bằng cách chuyển đổi những nhà máy này thành các không gian thúc đẩy văn hóa - nghệ thuật phục vụ cộng đồng. Từ các cơ sở hạ tầng của nền kinh tế công nghiệp sản xuất, chúng sẽ trở thành cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế sáng tạo mà Hà Nội đang theo đuổi. Sẽ không cần làm gì nhiều, chỉ cần thực hiện bảo tồn di sản kết hợp cải tạo, chỉnh trang vừa phải, thành phố sẽ có sức sống kinh tế - văn hóa mới, và cơ hội được tạo ra cho tất cả.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 được tổ chức tại không gian Nhà máy xe lửa Gia Lâm là một minh chứng sống động cho nhận định trên. Chỉ trong 12 ngày, lễ hội đã thu hút tới 200.000 lượt tham quan, tạo dấu ấn lớn trong cộng đồng, lan tỏa tinh thần sáng tạo đến toàn xã hội. Bằng sự kết hợp của thiết kế không gian, phối hợp tổ chức chương trình hoạt động phong phú, hướng tới cộng đồng, sự kiện này chính là một "liệu trình trẻ hoá" đô thị với hiệu quả rõ rệt trên rất nhiều khía cạnh.

Trẻ hóa đô thị - Cơ hội mang lại sức sống mới cho các đô thị Việt Nam- Ảnh 9.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 được tổ chức tại không gian Nhà máy xe lửa Gia Lâm. (Ảnh: Báo Lao động Thủ đô)

Nó cũng giúp chúng ta hiểu rằng, "trẻ hóa đô thị" thành công hoàn toàn khả thi, có thể thực hiện nhanh chóng, hiệu quả nếu có một cơ chế phối hợp và đồng thực hiện bởi nhiều bên liên quan gồm chính quyền các cấp, các ngành, giới văn nghệ sĩ, giới kiến trúc sư và cộng đồng xã hội.

Trong dòng chảy của sự vận động và phát triển, các đô thị Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Theo quy luật chung của đô thị hóa, chúng ta sẽ sớm tiến đến giai đoạn mà sự mở rộng, tăng trưởng về lượng của các đô thị dần chững lại, đô thị phục vụ đầu cơ bất động sản không còn chỗ đứng, cải tạo các khu vực đô thị hiện hữu sẽ trở thành nội dung chính yếu trong các chính sách về đô thị. Do đó, "trẻ hóa đô thị" - theo cách khả thi và mang lại hiệu quả tổng thể, bền vững là cách tiếp cận cho tương lai đô thị Việt Nam.

Tuy nhiên, để "trẻ hóa đô thị", chúng ta cần phải "trẻ hóa" cả trong cách nhìn, cách nghĩ và cách làm. "Trẻ hóa đô thị" cho phép chúng ta lựa chọn đa dạng các đối tượng không gian và quy mô, đa dạng cách làm, huy động đa dạng nguồn lực về cả vật chất lẫn ý tưởng. Để "trẻ hóa" hiệu quả, chúng ta cần tiến hành một số dự án cụ thể mang tính thử nghiệm, hiểu rõ các nguồn lực và rào cản. Trên cơ sở đó hoàn thiện quy trình, xây dựng cơ sở pháp lý và các chính sách cần thiết, từ đó nhân rộng ra nhiều nơi. Nhưng để bảo đảm thành công, tiến trình này nhất thiết cần có một cơ chế phối hợp, tham gia của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top