Aa

Triển khai Basel III: Cần “lựa cơm gắp mắm”

Thứ Sáu, 15/01/2021 - 13:47

Mặc dù Basel III sẽ giúp các ngân hàng phát triển bền vững hơn, nhưng các chuyên gia cho rằng, với quy mô của các ngân hàng Việt Nam hiện nay, việc triển khai nên “lựa cơm gắp mắm”.

Hướng tới chuẩn Basel III

Bất chấp những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, cuộc đua tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II vẫn diễn ra vô cùng sôi động trong năm qua. Đơn cử những ngày cuối năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận sửa đổi mức vốn điều lệ ghi trong giấy phép của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) lên 12.087 tỷ đồng. Trước đó là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) với mức vốn điều lệ tương ứng là 10.960 tỷ đồng và 16.088 tỷ đồng.

Nhờ đó, danh sách các nhà băng được áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày càng nối dài. Theo đó, đến nay đã có 18 ngân hàng được công nhận áp dụng chuẩn an toàn vốn theo Basel II gồm MB, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, VPBank, TPBank, VietBank, VietCapitalBank, LienVietPostBank, Standard Chartered Việt Nam, ShinhanBank, NamABank, SeABank, BIDV và Vietcombank.

Basel III nâng tỷ trọng vốn cấp I tối thiểu lên 6%, cao hơn quy định ban đầu là 4%. 

Thậm chí trong số đó có 9 ngân hàng công bố đã đáp ứng cả 3 trụ cột của Basel II gồm: VIB, Vietcombank, SeABank, VPBank, TPBank, MSB, VietCapitalBank, HDBank.  Việc hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II là nền tảng quản trị quan trọng để giúp các nhà băng phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả; qua đó thúc đẩy và đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn bộ thị trường tài chính, cải thiện xếp hạng tín nhiệm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Không dừng lại ở đó, nhiều nhà băng còn đang hướng tới việc áp dụng Basel III. Ngân hàng đầu tiên triển khai mục tiêu này cũng chính là VIB. Theo đó, sau khi hoàn thành cả 3 trụ cột của Bseel II, VIB thí điểm áp dụng chuẩn mực quản trị rủi ro thanh khoản theo Basel III. Cụ thể VIB đã hoàn thiện nghiên cứu phương pháp tính toán tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (Net Stable Funding Ratio - NSFR) theo Basel III, đánh giá nguồn dữ liệu và thực hiện tính toán tỷ lệ này tại các thời điểm hiện tại và quá khứ. Ngân hàng cũng đưa chỉ số quản trị mới vào quản trị nguồn vốn nội bộ thông qua việc thiết lập hạn mức nội bộ và xây sựng cơ chế giám sát tuân thủ chặt chẽ…

Sau khi hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II, VIB thí điểm áp dụng chuẩn mực quản trị rủi ro thanh khoản theo Basel III.

“SHB dự kiến sẽ đầu tư, phát triển Basel II theo phương pháp nâng cao và hướng tới chuẩn mực Basel III. Đây là cơ sở để ngân hàng tiếp tục phát triển chiến lược kinh doanh bền vững, toàn diện, là hành lang cho việc quản trị rủi ro và sử dụng vốn một cách hiệu quả, từ đó cung cấp các sản phẩm tài chính, phi tài chính an toàn, tin cậy và minh bạch dành cho khách hàng”, ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc ngân hàng này chia sẻ.

MSB cũng có kế hoạch tương tự khi đang bắt đầu xây dựng quy chuẩn để tiến tới áp dụng Basel III trong nội bộ. Theo đó, trong năm 2021, MSB sẽ bắt đầu triển khai đo lường và quản trị rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường theo chuẩn mực Basel III, triển khai theo phương pháp nâng cao theo chuẩn mực Basel II đối với rủi ro tín dụng và triển khai IFRS 9 (chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế).

Cần lượng sức mình

Basel III là khuôn khổ quản trị rủi ro với những tiêu chí chặt chẽ hơn, được Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel (BCBS) công bố năm 2010. Mục tiêu của chuẩn mới là đối phó với khủng hoảng tài chính, nâng cao tính bền vững của hệ thống ngân hàng, góp phần ngăn ngừa những tổn thất hệ thống có thể xảy ra trong tương lai.

Theo đó, Basel III ngoài quy định nâng tỷ trọng vốn cấp I tối thiểu lên cao hơn, còn yêu cầu nguồn vốn chất lượng cao phải chiếm ít nhất 3/4 lượng vốn này (tỷ trọng cổ phần thường và lợi nhuận giữ lại), các ngân hàng chiến lược toàn cầu (G-SIBs) phải tuân thủ yêu cầu về vốn tăng thêm này. Basel III cũng tăng đáng kể yêu cầu về vốn để đối phó với rủi ro thị trường, được tính toán đề phòng áp lực thị trường trong 12 tháng. Nó cũng nâng cao tỷ lệ dự trữ thanh khoản bảo đảm, khi đòi hỏi các ngân hàng phải duy trì đủ lượng tài sản có khả năng chuyển đổi sang tiền mặt trong 30 ngày trong thời kỳ khó khăn.

Hay như NSFR được tính bằng tỷ số giữa nguồn vốn ổn định thực có và nguồn vốn ổn định cần thiết, được phát triển dựa trên yêu cầu về cấu trúc ngày đáo hạn các loại tài sản và nghĩa vụ nợ, khuyến khích các ngân hàng hoạt động dựa trên nguồn vốn ổn định lâu dài nhằm giảm thiểu rủi ro thiếu hụt vốn trong tương lai, duy trì ổn định tài chính và bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền…

Tất cả những quy định đó đòi hỏi các ngân hàng giữ vốn nhiều hơn và chất lượng cao hơn so với mức vốn theo quy định hiện hành Basel II. Tuy nhiên trong bối cảnh quy mô của các ngân hàng Việt Nam vẫn còn khá nhỏ so với các ngân hàng trong khu vực chứ chưa nói gì đến trên thế giới, vì thế theo các chuyên gia, các ngân hàng nên lượng sức mình trong việc áp dụng Basel III.

“Mặc dù áp dụng Basel III sẽ giúp các ngân hàng phát triển an toàn, bền vững hơn trong tương lai, song với quy mô vốn điều lệ còn khá nhỏ bé, việc đáp ứng các quy định khắt khe của Basel III là không đơn giản. Chưa kể nó có thể làm hạn chế khả năng cung ứng tín dụng, giảm khả năng sinh lời của các ngân hàng trong ngắn hạn”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top