Một trong những phương hướng, nhiệm vụ đặt ra trong chiến lược phát triển ngân hàng là phấn đấu đến năm 2020 các NHTM cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II; có ít nhất từ 1 - 2 NHTM nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á. Đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý)…
Thực tế, nhiều NHTM đã đáp ứng được quy định tại Thông tư 41, nhưng đây mới chỉ là bước đầu tiên trong ba trụ cột của Basel II. Bên cạnh Thông tư 41 ban hành năm 2016, năm 2018 NHNN đã ban hành Thông tư 13 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ đối với TCTD, trong đó có cấu phần quy định về đánh giá mức độ đủ vốn ICAAP để thực hiện hai trụ cột của Basel II.
Như vậy, NHNN đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để triển khai Chuẩn mực Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn với đầy đủ cả ba trụ cột, đồng thời cũng đưa ra lộ trình phù hợp để thực hiện các mục tiêu về áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế mà Chính phủ đề ra. Vấn đề quan trọng ở đây là quá trình triển khai và nỗ lực của các ngân hàng ra sao, khi vẫn còn cả chặng đường dài với nhiều thách thức phía trước.
Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, ngân hàng đã đáp ứng toàn diện các yêu cầu của chuẩn mực Basel II về cơ cấu quản trị, quy trình quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống CNTT. Ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt tăng vốn, VietinBank sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực Basel II. Về vấn đề tăng vốn, Chính phủ cũng đã có chủ trương, theo đó VietinBank được phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận hai năm 2017 và 2018 để tăng vốn. Và trong quý I/2020, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ cho hai ngân hàng Vietcombank và VietinBank, khoảng 10.000 tỷ đồng.
Không chỉ vốn, một trong những khó khăn cho hệ thống ngân hàng áp dụng Basel II cần nhắc tới là tính minh bạch của thông tin. Vì thực tế, dù có áp dụng bao nhiêu tiêu chí, nhưng thông tin không chính xác thì tất cả những con số chỉ là con số ảo. Để làm được Basel, dữ liệu thông tin của ngân hàng phải rất chuẩn xác, và phải được tích luỹ trong nhiều năm. Đó là cơ sở để xác định tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng, rủi ro đối với từng nhóm khách hàng để xây dựng được khẩu vị rủi ro tương lai. Dữ liệu cũng đòi hỏi phải được phân loại dưới những chỉ tiêu thống nhất và rõ ràng.
Một tín hiệu tích cực là ngay đầu năm 2020, TPBank công bố đã hoàn thành triển khai ba trụ cột của Basel II theo quy định của NHNN. Trước đó vào tháng 4/2019, đây là nhà băng được NHNN chấp thuận áp dụng Thông tư 41 và trở thành 5 ngân hàng triển khai thông tư này nhanh nhất trong toàn hệ thống. TPBank cũng đồng thời chuẩn bị triển khai IFRS 9 (chuẩn mực trong điều hành quản trị, báo cáo tài chính theo quy định quốc tế).
VPBank mới đây cũng đã thông tin việc hoàn thành triển khai xong tuân thủ trụ cột cuối cùng của Basel II - Quy trình đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP) trong số ba trụ cột cần hoàn thành của Basel II. Đây cũng là trụ cột được VPBank hoàn thành sớm một năm so với yêu cầu của NHNN và hoàn thành chỉ sau hơn 6 tháng từ khi ngân hàng này chính thức được phê chuẩn áp dụng sớm Thông tư 41. Cuối năm 2019, VIB được ghi nhận là ngân hàng đầu tiên hoàn thành cả ba trụ cột Basel II.
Là một trong 10 NHTM được NHNN lựa chọn thí điểm triển khai Basel II, ông Hàn Ngọc Vũ - Tổng Giám đốc VIB chia sẻ: VIB đã tập trung nguồn lực để triển khai ngay từ năm 2014 và đến năm 2018 đã triển khai thành công trụ cột 1 và trụ cột 3 của Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, đảm bảo hệ số an toàn vốn được tính toán tự động hoá theo quy định của Thông tư 41 với mức CAR luôn đạt trên 9,5%. VIB cũng đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cơ sở hạ tầng CNTT, hệ thống chính sách quản trị rủi ro, cơ sở dữ liệu, bộ máy nhân sự và kế hoạch vốn nhằm đảm bảo ngân hàng quản trị và tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo như quy định.
Cũng theo ông Vũ, để triển khai thành công được cả ba trụ cột của Basel II, mỗi NHTM phải thật sự quyết tâm, có được sự đồng thuận từ HĐQT, Ban Kiểm soát đến Ban Điều hành và các đơn vị chức năng, đầu tư nguồn lực đáng kể và chuyển đổi từ tư duy quản lý, hệ thống công nghệ đến quy định, quy trình và cấu trúc kinh doanh truyền thống.
Lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết, từ năm 2020 ngân hàng này không chỉ tiếp tục đầu tư phát triển Basel II theo phương pháp nâng cao và hướng tới áp dụng từng bước các chuẩn mực của Basel III trong công tác quản trị rủi ro của ngân hàng, dự kiến hoàn thành Basel III từ năm 2022.
Chuyên gia cho rằng, việc đáp ứng được các tiêu chuẩn Basel II sẽ gia tăng sức cạnh tranh cho ngân hàng, củng cố tiềm lực tài chính khi với những nhà băng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II sẽ tiếp tục được xem xét cấp thêm hạn mức tín dụng, giành được nhiều thị phần hơn.