Aa

Triển vọng kinh tế vĩ mô 2021: Nhiều dư địa tăng trưởng trong dài hạn

Linh Chi
Linh Chi hoanguyen1304@gmail.com
Thứ Năm, 12/11/2020 - 06:10

Tăng trưởng kinh tế trong 2021 được dự báo khả quan, lạm phát và tỷ giá ổn định, nhiều dư địa tăng trưởng trong dài hạn.

Báo cáo chiến lược đầu tư 2 tháng cuối năm 2020 công bố bởi Công ty CP Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định: Việt Nam có nhiều dư địa tăng trưởng trong dài hạn. Đặc biệt, tăng trưởng 2021 được dự báo khả quan, lạm phát, tỷ giá ổn định.

Theo đó, dân số trẻ, năng động là bước đệm rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc,… đang khá chật vật để tìm hướng đi tăng trưởng khi dân số ngày một già hoá. Trong khi ấy, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có dân số trẻ, năng động, khả năng học hỏi cao. 

"Đây là tiền đề để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt trong các năm tới khi mức GDP đầu người còn thấp, nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai", báo cáo nhận định.

Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, GDP Việt Nam được dự báo tăng trưởng từ 2,5 - 3% cho 2020 và từ 6,3 - 11,2% cho 2021.

Về xu hướng lãi suất, dự kiến sẽ ổn định đến nửa đầu 2021, sau đó khi nhu cầu tăng trở lại sẽ tạo áp lực tăng nhu cầu tín dụng và lãi suất tăng lên.

Lạm phát cũng được dự báo sẽ ổn định. "Mặc dù mặt bằng lãi suất thấp dự kiến sẽ được duy trì đến giữa năm sau cũng như đẩy mạnh giải ngân nhưng lạm phát dự kiến vẫn sẽ ổn định dưới 4% bởi 2 lý do, thứ nhất, là giá thịt lợn dự kiến giảm mạnh cuối năm 2020 và đầu 2021, thứ hai là nhu cầu tăng sẽ đi kèm tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát", nhóm nghiên cứu Agriseco cho hay.

Bên cạnh đó, tỷ giá với USD dự kiến sẽ ổn định đến cuối 2020 nhờ xuất siêu tích cực. Sang năm 2021, dự kiến VND sẽ chỉ mất giá 1 - 1,5% so với USD khi kinh tế Mỹ và các nước hồi phục kéo nhu cầu USD gia tăng phục vụ các giao dịch. Đây được cho là tiền đề để ổn định dòng vốn ngoại vào nền kinh tế và thị trường chứng khoán trong nước. 

Việt Nam là nước có tỷ lệ đầu tư công thuộc hàng cao nhất Châu Á. Dự kiến đầu tư hạ tầng được đẩy mạnh trong tương lai khi Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân công ở mức cao gồm 700 ngàn tỷ trong năm 2020 và dự kiến đầu tư 2,75 triệu tỷ trong 5 năm tới. Đây là điểm nhấn tích cực giúp thu hút FDI và tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, đầu tư công vẫn còn chậm tuy nhiên sẽ tích cực trong thời gian tới khi chúng ta đang gấp rút triển khai nhiều dự án lớn.

Vốn FDI thực hiện tăng trưởng khá tốt các năm trở lại đây nhờ vĩ mô ổn định, giá nhân công ở mức thấp, vị trí địa lý thuận lợi. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, vốn FDI thực hiện giảm 3% cùng kỳ. Mặc dù giảm nhưng đây vẫn là yếu tố tích cực khi dòng vốn FDI toàn cầu năm nay được tổ chức UNCTAD dự báo giảm 25 - 30% với tác động của Covid-19. 

"Việc chống dịch tốt và chủ động thu hút FDI sẽ giúp chúng ta thu hút nhiều dự án khi nền kinh tế hồi phục", báo cáo nêu.

Cơ hội cho ngành chứng khoán

Thị trường chứng khoán giảm mạnh trên toàn thế giới khi dịch bệnh Covid-19 lây lan mạnh tại nhiều nước, còn tại Việt Nam là giai đoạn lây lan trong cộng đồng trong tháng 3/2020. Tuy nhiên, sau khi rơi nhanh tạo mặt bằng giá hấp dẫn, lãi suất giảm xuống và ít cơ hội đầu tư bên ngoài nền kinh tế, dòng tiền được tập trung khá lớn vào chứng khoán, lượng tài khoản mở mới kỷ lục. VN-Index tạo đáy tại vùng 650 và duy trì đà tăng khá dài. 

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, cuối năm sẽ là thời điểm tìm kiếm cơ hội đầu tư cho năm 2021, bởi, sau khi tăng mạnh, thị trường có thể cần một nhịp điều chỉnh, tích lũy lại.

Có 2 cơ sở để Agriseco nhận định năm 2021 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành chứng khoán, đó là việc tỷ trọng trong MSCI FM tăng mạnh và dòng tiền đổ vào các ETF.

Cụ thể, với việc Kuwait được nâng lên thị trường mới nổi, MSCI đưa tỷ trọng Việt Nam 1 năm tới lên mức gần 29%. Với ước tính quy mô các quỹ đầu tư theo MSCI FM, Việt Nam có thể hút ròng khoảng hàng trăm triệu đô.

Bên cạnh đó, các quỹ chỉ số như VN Diamond đang là điểm sáng trong khi thị trường bị rút vốn mạnh do tác động của dịch Covid-19. Khi kinh tế hồi phục và tỷ giá ổn định trở lại, dòng tiền đổ vào các ETF dự kiến sẽ tích cực.

Do đó, năm 2021 được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán khi kinh tế hồi phục trong điều kiện lãi suất dự kiến duy trì thấp, đầu tư công tăng mạnh thúc đẩy nhiều ngành nghề.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top