Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021
Kinh tế Việt Nam 2020 gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, sự khắc nghiệt của thiên tai, sự xáo trộn của các chuỗi cung ứng và tiêu thụ trên toàn cầu cùng với sự suy thoái của nền kinh tế thế giới.
Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu kép về kiểm soát dịch bệnh và là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng GDP đạt 2,91%. Để thực hiện được các chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2021 trong điều kiện nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, cần có những biện pháp chủ động, linh hoạt, kiên quyết và phù hợp với nền kinh tế.
***
NHỮNG THÀNH QUẢ KINH TẾ TRONG NĂM ĐẠI DỊCH 2020
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lây lan nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu đã làm cho nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện giãn cách xã hội, tạm ngừng các hoạt động kinh tế xã hội để phòng chống dịch.
Các chuỗi cung ứng trên toàn cầu đã gặp khó khăn bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các bất đồng và căng thẳng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và một số quốc gia trong EU, Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian trước, nay càng bất ổn, thậm chí ngưng trệ khi nhiều quốc gia đóng cửa biên giới và thực hiện giãn cách xã hội.
Nhiều quốc gia trên thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng kinh tế toàn cầu giảm 4,5% năm 2020; Fitch Ratings và Oxford Economics dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2020 đều ở mức giảm 4,4%. Đối với một số nền kinh tế lớn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP của Trung Quốc đạt 1,8%; GDP của Hoa Kỳ giảm 5,3%; GDP của khu vực đồng Euro giảm 8,0%; GDP của Nhật Bản giảm 5,4%; GDP của Indonesia giảm 1,0%; GDP của Malaysia giảm 5,0%; GDP của Thái Lan giảm 8,0%; GDP của Philipines giảm 7,3% và GDP của Singapore giảm 6,2%...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 2,91%, là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua, nhưng vẫn là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Một điều rất quan trọng, là kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2020 tăng 3,23%, lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 tăng 2,31% so với bình quân năm 2019.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì mức tăng trưởng 3,36% so với năm 2019, đóng góp 1,12% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Điểm nổi bật là mặc dù dịch bệnh rất nghiêm trọng, kinh tế sụt giảm, nhưng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2020 vẫn tăng 5,7% so với năm 2019 và bằng 34,4% GDP.
Trong đó, vốn khu vực Nhà nước tăng 14,5% so với năm 2019 và chiếm 33,7% tổng vốn do việc lần đầu tiên sau nhiều năm giải ngân đầu tư công đạt mức cao 84,8%. Vốn đầu tư khu vực kinh tế tư nhân tăng 3,1% và bằng 44,9% tổng vốn đầu tư xã hội. Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 1,3% và bằng 21,4% tổng vốn đầu tư xã hội.
Khu vực đầu tư tư nhân trong năm 2020 đã có nỗ lực rất lớn để có thể chiếm đến 44,9% tổng đầu tư xã hội. Về cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, đầu tư của khu vực Nhà nước đạt 34,4% một phần rất lớn nhờ thành tựu đẩy mạnh công tác giải ngân đầu tư công. Kinh tế tư nhân đã thực sự trở thành một động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Với sự quan tâm của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, khu vực kinh tế tư nhân đã ngày càng được đối xử bình đẳng, được tạo môi trường kinh doanh năng động và có đóng góp 44 - 45% trong GDP, giải quyết nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký năm 2020 tuy giảm mạnh, nhưng trong bối cảnh đại dịch bùng phát và tổng vốn FDI toàn cầu giảm trên 70% thì mức vốn đăng ký vào Việt Nam được coi là khả quan.
Trong năm 2020 dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, kinh tế trì trệ và sự xáo trộn về chuỗi cung ứng, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 2.235,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.043 nghìn lao động, giảm 2,3% về số doanh nghiệp, nhưng tăng 29,2% về vốn đăng ký và giảm 16,9% về số lao động so với năm 2019. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm 2019. Nếu tính cả 3.341,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 39,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2020 là gần 5.577,6 nghìn tỷ đồng, tăng 39,3%. Điều này được coi là sự khác biệt về chất lượng của các doanh nghiệp mới thành lập trong năm vừa qua.
Bên cạnh đó, còn có 44,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020 lên 179 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,8% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Dù mức tăng không lớn, nhưng con số này thể hiện sự thích nghi và quyết tâm nắm bắt cơ hội để kinh doanh của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Con số 44,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng chứng tỏ khả năng chủ động, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong năm 2020, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Dưới sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, giá trị đồng tiền Việt Nam đã có mức ổn định cao trong điều kiện nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, tỷ giá các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới có những thời gian có sự tăng giảm đột biến. Việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chuyển biến. Tỷ giá của đồng Việt Nam tương đối độc lập so với các đồng tiền nhờ tỷ trọng của một nhóm các đồng tiền trong việc xác định tỷ giá trung tâm. Theo HSBC, năm 2020, đồng Việt Nam lên giá 0,2% so với USD. Mức độ lạm phát CPI được kiềm giữ ở mức thấp, cả năm chỉ là 3,23%, chỉ số lạm phát cơ bản được kiểm soát ở mức 2,31%.
Tính cả năm 2020, tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế đã tăng khoảng 10,14% so với cuối năm 2019 (năm 2019 tăng trưởng tín dụng là 13,3%). Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 12%, nên dù khó khăn, dịch bệnh góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 12,13%. Tăng trưởng vốn huy động từ thị trường chứng khoán thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng hơn 25% so với cả năm 2019. Tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 113% GDP, vượt mục tiêu chiếm 70% GDP đề ra trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán tới năm 2020.
Trong năm 2020, môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh đã có những chuyển biến lớn. Thêm nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được các bộ, ngành xem xét, tiếp tục xóa bỏ. Đặc biệt, một trong những thành công lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020 là phổ cập toàn diện nhận thức về chuyển đổi số cho xã hội. Trong đại dịch Covid-19, mức độ quan tâm, tìm hiểu về chuyển đổi số cũng đã tăng gấp 10 lần so với đầu năm 2020. Trong một báo cáo của World Bank, hơn 60% các doanh nghiệp được thăm dò đã hoàn thành việc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất và kinh doanh.
Ngoài ra, việc xử lý các yếu điểm của nền kinh tế trong thời gian trước đây còn tồn đọng đã được đẩy mạnh, đặc biệt là công tác xử lý các dự án lớn không có hiệu quả hoặc là dây dưa kéo dài đã được thực hiện một cách quyết liệt và bước đầu cho kết quả khả quan. Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng cũng được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế đi vào đúng quỹ đạo của nền kinh tế thị trường.
NHỮNG KỲ VỌNG TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NĂM 2021
Năm 2021, nền kinh tế thế giới sẽ từng bước phục hồi dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ các quốc gia. Trước hết, nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển được vắc-xin chống Covid-19 và đã có những quốc gia thực hiện tiêm chủng rộng rãi trong xã hội. Khi dịch bệnh được kiểm soát thì các quốc gia sẽ đẩy mạnh công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, mặc dù đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới, nhưng hầu hết quốc gia đã dần quen với trạng thái “bình thường mới”, vừa nỗ lực phòng chống dịch, vừa bắt đầu từng bước phục hồi kinh tế. Nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ có những bước phục hồi và phát triển.
IMF dự báo nền kinh tế thế giới tăng trưởng 4% trong năm 2021. Nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, về vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa sẽ tăng cao. Đây sẽ là nhân tố thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế, thúc đẩy nền kinh tế xuất nhập khẩu cao như Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Hơn nữa, nhiều thay đổi đang diễn ra ở nền kinh tế lớn nhất trên thế giới.
Xu hướng tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề chung sẽ góp phần giảm bớt các căng thẳng tại các điểm nóng kinh tế trên thế giới. Thậm chí, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ đi vào chiều sâu và có thể có những giới hạn nhất định. Đại dịch Covid-19 cũng làm cho nhiều quốc gia cảm nhận sự hợp tác, cùng sinh tồn là rất quan trọng.
Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Trước hết, do việc phòng chống và kiểm soát tốt dịch bệnh, ý thức phòng chống dịch của người dân và toàn xã hội tăng cao, Việt Nam đã chuyển sang hình thức kiểm soát chặt chẽ biên giới, khoanh vùng dập dịch ngay tại gốc với phạm vi thích hợp, nền sản xuất của đất nước đã có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2020.
Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam đã thích ứng nhanh chóng với trạng thái kinh tế mới. Nếu xét theo số doanh nghiệp mới đăng ký thành lập và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, thì số lượng tăng hơn 0,8% so với 2019. Đặc biệt, vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp cao hơn nhiều so với 2019.
Thứ ba, cơ cấu nền kinh tế đã có những chuyển biến đáng kể từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, năng suất lao động tăng đáng kể, đóng góp của nhân tố TFP vào tăng trưởng đạt 45 - 47%.
Kinh tế tư nhân đã trở thành một nhân tố quan trọng đóng góp 44 - 45% GDP, là một động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Thứ tư, việc cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giảm 29 loại phí, lệ phí đã góp phần tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh và các chi phí tiếp cận cho các doanh nghiệp.
Thứ năm, việc hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới thông qua hiệu quả của các Hiệp định Thương mại EVFTA, RCEPT, UKVFTA… giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nhập khẩu các máy móc, thiết bị, các nguyên nhiên vật liệu và hưởng các ưu đãi xuất xứ, ưu đãi thuế cùng với việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.
Thứ sáu, kinh tế số đã trở thành một trào lưu, một động lực phát triển của các doanh nghiệp trong nền kinh tế, đang thúc đẩy tính công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động trong nền kinh tế.
Thứ bảy, đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực, mức độ giải ngân năm 2020 đạt trên 92% đang góp phần tháo gỡ các khó khăn về cơ sở hạ tầng, về khả năng kết nối giữa các vùng kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng trưởng GDP.
Thứ tám, khả năng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2021 cũng sẽ là một nhân tố góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh.
Dự báo trong năm 2021, nếu dịch bệnh được khống chế sớm, kinh tế thế giới phục hồi tốt, kinh tế Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các Hiệp định thương mại tự do và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, tăng trưởng 6,8 - 7,4% thì khả năng lạm phát có thể sẽ là 3,8% (+, - 0,5%), thâm hụt ngân sách Nhà nước trong khoảng 4,1%. Với những thay đổi chính sách của Chính phủ mới của Mỹ, nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhiều khả năng kịch bản này sẽ đạt được.
Trường hợp nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng 6,0 - 6,7% với lạm phát sẽ trong khoảng 3,3% (+, - 0,5%), thâm hụt ngân sách Nhà nước trong khoảng 3,5%.
GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY
Để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững nhằm đạt được các chỉ tiêu đã được đề ra trong năm 2021, cần thực hiện đồng bộ hàng loạt các biện pháp, trong đó cần nhấn mạnh các biện pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Theo dõi, quản lý và giám sát các biến động trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán… để có các biện pháp điều chỉnh kịp thời, tránh để xảy ra các biến động bất thường tác động xấu đến nền kinh tế. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả…
Hai là, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tiếp tục đẩy mạnh công tác giải ngân đầu tư công được coi là đòn bẩy để phục hồi và phát triển nền kinh tế. Đẩy mạnh cải cách cơ cấu nền kinh tế thực chất hơn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Cần phải coi việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng lao động là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 để tạo bàn đạp cho việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của nền kinh tế cho cả giai đoạn 2021 - 2030.
Ba là, tích cực thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trong các hoạt động quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Chính phủ điện tử và chế độ “một cửa”, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, giảm tới mức tối đa các chi phí chính thức và phi chính thức trong đăng ký hoạt động kinh doanh, trong các hoạt động tiếp cận thị trường, tạo môi trường phát triển công bằng, minh bạch giữa các khu vực kinh tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân được coi như một động lực mới giúp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững nền kinh tế trong giai đoạn tăng tốc của nền kinh tế để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Trong thời gian vừa qua, khu vực kinh tế tư nhân đã có sự tăng trưởng bứt phá trên nhiều lĩnh vực, đóng góp khoảng 34% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra trên 44% GDP của đất nước, nhưng vẫn còn nhiều rào cản và sự đối xử chưa hợp lý để khu vực này được phát triển bình đẳng. Cần tập trung vào các doanh nghiệp tư nhân lớn trở thành những đầu tàu, dẫn dắt kết nối được các doanh nghiệp vừa và nhỏ hình thành mạng lưới, dây chuyền sản xuất kinh doanh.
Năm là, tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước theo cơ chế thị trường với những doanh nghiệp mà Nhà nước cần nắm giữ với vai trò quản lý và điều tiết nền kinh tế; tích cực, chủ động phân loại và đẩy mạnh cổ phần hóa những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, trao cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia bình đẳng, công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp điện, nước, xăng dầu… theo cơ chế thị trường. Nâng cao hiệu quả đầu tư công và hiệu quả chi ngân sách Nhà nước, nhằm tạo cơ sở hạ tầng tốt nhất, phù hợp nhất cho sự phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2030.
Năm 2021 là năm bản lề để nền kinh tế bước vào thới kỳ mới 2021 - 2025 và cho cả giai đoạn 2021 - 2030. Với những thắng lợi toàn diện trong năm 2016 - 2020 và những bài học kinh nghiệm được rút ra trong điều hành và quản lý, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hy vọng, các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2021 sẽ được hoàn thành toàn diện và vượt mức./.
14/02/2021 06:30