Aa

Triệt hạ “dự án ma”, môi giới không thể vô can

Thứ Tư, 26/02/2020 - 10:50

Hàng loạt “dự án ma” được các sàn môi giới, chủ đầu tư “ăn xổi” bán cho người dân, sau đó doanh nghiệp đóng cửa, lãnh đạo công ty bị bắt giam, nhưng trực tiếp lừa dân là những môi giới kém đạo đức không thể vô can.

Môi giới chân chính là cầu nối tốt nhất trên thị trường

Hiểu dự án - biết khách hàng

Ông Nguyễn Văn Thắng, ngụ quận 2, TP.HCM là nạn nhân vụ lừa đảo bán “dự án ma” của Công ty Địa ốc Alibaba tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, năm 2018 ông được một nhân viên môi giới của Alibaba tên Huyền chào mời mua đất nền mang tên Alibaba Tân Thành Center City 1 tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau khi mua 2 nền đất tại đây với giá gần 1 tỷ đồng và không nhận được lợi nhuận như doanh nghiệp cam kết trong hợp đồng, cuối năm 2019, cơ quan chức năng còn khởi tố bắt giam lãnh đạo doanh nghiệp này khiến hiện giờ ông không biết bám víu vào đâu để đòi lại số tiền đã nộp.

“Khi đó, tôi chỉ biết tới nhân viên môi giới là người trực tiếp chào bán sản phẩm cho mình, nhưng giờ nhân viên môi giới phủi tay, cho rằng trách nhiệm cuối cùng là của lãnh đạo Công ty. Trong khi họ là người trực tiếp thuyết phục, trực tiếp bán hàng cho chúng tôi thì họ cũng phải bị xử lý trách nhiệm”, ông Thắng nói.

Bà Lê Thị Thúy, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM cũng đang trong cảnh khó khăn bởi lỡ mua “dự án ma” do Công ty TNHH Tư vấn đầu tư bất động sản Hoàng Kim Land tại TP.HCM mở bán năm 2018 và năm 2019 vì lãnh đạo doanh nghiệp này bị cơ quan điều tra bắt giam, khởi tố điều tra vì vẽ “dự án ma” ra bán lừa khách hàng. Bà Thúy cho biết, bà đã bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để mua “dự án ma” tại khu dân cư đường số 7 (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc B, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân).

Bà Thúy cho biết, một phần thiếu cảnh giác khi không tìm hiểu kỹ dự án, một phần nhân viên môi giới tỏ ra rất hiểu biết, thực hiện toàn bộ công đoạn mua bán, giấy tờ thủ tục, chỉ có chữ kỹ cuối cùng là của lãnh đạo doanh nghiệp ký, nên bà rất tin tưởng vào môi giới này.

“Nếu muốn không có dự án ma, cũng như người dân không bị lừa mua dự án ma thì phải xử lý lãnh đạo doanh nghiệp lừa đảo và xử lý cả nhân viên môi giới khi họ trực tiếp thuyết phục, giao dịch với khách hàng. Bởi không thể nói rằng họ không hiểu rằng đây là hành động lừa đảo. Hiện nay, nhân viên môi giới bán dự án ma cho người dân rồi phủi tay và đổ trách nhiệm cho lãnh đạo công ty. Khi công ty đó đóng cửa trả mặt bằng trụ sở thì nhân viên môi giới lại đi bán dự án ma khác, lại đi lừa người dân khác là không thể chấp nhận được”, bà Thúy nói.

Bình luận về hoạt động môi giới hiện nay, ông Lại Cương, giám đốc sàn môi giới bất động sản trên đường Trường Chinh, quận Bình Tân, TP.HCM cho biết, hiện nay khâu tuyển dụng nhân viên môi giới của doanh nghiệp khá dễ. Chỉ cần nhân sự nộp hồ sơ xin việc, phòng nhân sự sẽ coi qua hồ sơ xin việc rồi nhận và đào tạo chứ không cần xác minh gì nhiều. Nhân viên môi giới không còn làm cho công ty cũng sẽ nghỉ việc đi tìm sàn môi giới khác, vì hiện nay các sàn giao dịch ít khi trả tiền lương và không đóng bảo hiểm cho nhân viên môi giới, nên có rất ít ràng buộc.

“Mới đây, tôi đau đầu vì một vài nhân viên môi giới lừa khách hàng bán sản phẩm của một dự án không phải dự án mà doanh nghiệp chúng tôi bán, nhưng họ lại giới thiệu với khách hàng là đang làm môi giới cho công ty tôi. Tới khi khách hàng phát hiện đó là dự án ma và tìm nhân viên môi giới đó không được thì tìm tới công ty truy trách nhiệm vì nhân viên đã giới thiệu dự án ma cho họ. Nhưng kỳ thực, nhân viên môi giới đó đã nghỉ việc từ mấy tháng trước và đổi số điện thoại, tới khi đưa chứng minh nhân dân trong hồ sơ xin việc xem kỹ mới phát hiện đó là chứng minh thư giả…”, ông Lại Cương nói.

Cần xét trách nhiệm đối với môi giới địa ốc

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, nghề môi giới bất động sản đã tồn tại từ lâu, hiện được pháp luật quy định cụ thể về điều kiện hành nghề và chịu trách nhiệm đối với hoạt động của mình. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động còn nhiều vấn đề cần siết lại. Chẳng hạn, phải xác định trách nhiệm của môi giới, không thể có chuyện môi giới tiếp tay giao dịch dự án ma nhưng vô can.

Ông Phượng cho rằng, có một số người thành lập ra công ty môi giới bất động sản, sau đó hợp tác với một vài chủ đầu tư hoặc người có đất bằng nhiều hình thức khác nhau (mua đất nông nghiệp, ký giấy đặt cọc mua đất, hợp đồng hợp tác…) rồi vẽ ra các dự án ma (chưa được cơ quan nhà nước cho phép) nhằm chiêu dụ khách hàng giao dịch trên giấy và thu tiền. Thậm chí, để thu hút người mua, họ xin làm nhà phân phối một số dự án thật, khi tiếp xúc được khách hàng thì lại dẫn dụ giao dịch sang dự án ma với những lý do phổ biến như dự án kia đợt này hết hàng, vẽ ra kiểu chu kỳ đầu tư khách cứ giao dịch bên này chờ dự án kia mở bán giai đoạn sau thì bán đi rồi chờ mua, cứ mua rồi ký gửi cho chính nhân viên môi giới để bán hàng….

Trong các vụ lừa đảo dự án ma, các chủ sàn đóng vai trò là người chủ mưu, tổ chức cho guồng máy hoạt động, là người vẽ ra các dự án ma. Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch, họ không phải là người trực tiếp tìm kiếm, giới thiệu, giao dịch với người dân, mà là các nhân viên môi giới. Các nhân viên này rất hiểu về bản chất dự án, nhưng vẫn cố tình “câu kéo” khách hàng bởi hoa hồng, lương thưởng cao, chức vụ, nhiều sàn môi giới còn cho các nhân viên hưởng cổ phẩn, các chuyến du lịch trong và ngoài nước…

“Tại các dự án ma, nếu không có việc các nhân viên môi giới bất chấp quy định pháp luật thì các ông trùm cũng không thể tìm kiếm khách hàng, không thể lừa được nhiều người. Ngược lại, khi tham gia và các giao dịch bất chính này, các nhân viên môi giới thường biết là giao dịch trái pháp luật, tuy nhiên chỉ vì nhận được ăn chia vài phần trăm trên từng giao dịch thành công (trên số tiền thu được của khách hàng), mà họ bất chấp để tìm kiếm khách hàng, dẫn dắt khách vào tròng.

Không ít các vụ việc đã xảy ra, để lôi kéo ràng buộc nhân viên chung hội chung thuyền, buộc nhân viên môi giới trung thành sống chết với các ông trùm thì công ty mô giới bắt nhân viên phải đầu tư một vài sản phẩm mới được làm việc sau khi “thử tài ba hoa” trong thời gian thử việc, hoặc ép chính nhân viên đó phải đầu tư khi không dẫn đủ số lượng khách hàng trong quý để không bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng cộng tác nhân viên”, luật sư Phượng nói.

Cũng theo vị luật sư này, tâm lý nhiều nhân viên môi giới hiện nay là cứ làm, nếu ông trùm bị bắt thì họ vô can do không chức phận, chức vụ trong công ty và chỉ là người làm công ăn lương, không bị cơ quan điều tra mời làm việc, không bị xử tù nên cùng lắm chỉ mất việc làm. Nhiều công ty môi giới cần nhân viên, chỗ làm mới cũng hoạt động theo phương thức này nên còn đánh giá cao kinh nghiệm trận mạc, tinh thần không sợ sệt nên được giao trưởng nhóm, trưởng khu vực…

Rõ ràng, để thực hiện nghiêm quy định pháp luật, quản lý tốt hoạt động môi giới, ở các vụ việc lừa đảo, bán dự án ma thì ngoài việc xác định hành vi của các ông chủ sàn, cần làm rõ trách nhiệm đối với các nhân viên môi giới đã tham gia các giao dịch này. Mặt khác, về mặt trách nhiệm dân sự, các nhân viên môi giới còn có trách nhiệm liên đới trong việc khắc phục hậu quả cho người dân.

“Nếu không tính đến việc quy trách nhiệm cho những "cánh tay đắc lực" trong việc hỗ trợ các ông chủ sàn môi giới lừa đảo thì rất có thể khi ông trùm này bị bắt, họ sẽ kiếm ông trùm khác để tiếp tục trổi "tài chiêu dụ" với một trình độ, kinh nghiệm cao hơn. Cũng có thể, không ít trong số các nhân viên này đã tự thành lập công ty mới để thành nhiều ông trùm mới với cách thức hoạt động tương tự”, ông Phượng khuyến cáo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top