Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải , UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 4 theo đúng quy định của Luật đầu tư.
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, cầu Thủ Thiêm 4 được xây dựng nhằm kết nối 2 khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị mới Nam Thành phố. Cầu có chiều dài dài khoảng 2.160 m, rộng 6 làn xe với phần cầu chính từ bờ Quận 7 qua đến hết cầu phía Quận 2.
Cầu có hai nhánh cầu dẫn N1, N2 từ bờ quận 7 xuống đường Huỳnh Tấn Phát và phần cầu dẫn trên đường Nguyễn Văn Linh ở trước nút giao Nguyễn Văn Linh - cầu Tân Thuận 2. Với tổng mức đầu tư trên 5.200 tỷ đồng.
Dự án nhằm giải tỏa áp lực giao thông từ phía quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức qua phía các quận 7, 8, huyện Bình Chánh và Nhà Bè; kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm hiện hữu của thành phố và quận 4, quận 7; tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị mới Nam thành phố...
Theo quy hoạch, khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) sẽ được nối với các khu vực khác của thành phố qua 5 cây cầu và một hầm chui. Hiện tại, cầu Thủ Thiêm 1 và hầm vượt sông Sài Gòn (nối quận 2 và quận 1) đã được đưa vào sử dụng; cầu Thủ Thiêm 2 cũng đã được khởi công vào năm 2015 và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018.
Trong đó, Thành phố được quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư gồm 4 doanh nghiệp là Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng 620, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển xây dựng 168, Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận.
Mới đây tại cuôc họp với Cảng Sài Gòn, UBND TP.HCM đã giao Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo phương án di dời cảng Tân Thuận khi xây dựng cầu Thủ Thiêm 4.
Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với phần diện tích đất còn lại của cảng này; xem xét điều chỉnh quy hoạch 1/2000, quy hoạch sử dụng đất và phương án sử dụng đất đối với các khu đất của Cảng Sài Gòn đang quản lý thuộc phường Tân Thuận Tây, Quận 7 để di dời trụ sở văn phòng làm việc của Cảng Sài Gòn và đầu tư trung tâm Logistics./.