Aa

Trôi theo ký ức những ngày cận Tết

Chủ Nhật, 03/02/2019 - 07:16

Cận Tết, mưa xuân đã choàng chiếc áo kỳ ảo trên những vườn đào thắm, đào phai đang chúm chím hé nụ. Những ngày cận Tết luôn cho ta ngập tràn cảm xúc. Và… tôi chợt nhớ về cảm giác rộn ràng chuẩn bị Tết trong ký ức… Nhớ Tết xưa, cứ độ quãng giữa tháng Chạp, các bà các mẹ đã bắt đầu sắm Tết. Ngày ấy, các mặt hàng nhu yếu phẩm đều được mua theo tiêu chuẩn tem phiếu ở cửa hàng bách hóa.

Trong mắt của lũ trẻ con chúng tôi thời ấy, thật kỳ diệu biết bao khi chỉ sau một buổi đi xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch của mẹ là Tết như hiển hiện trong nhà. Chỉ ngắm nghía hộp mứt thập cẩm in cành hoa đào màu hồng thôi cũng đủ để chúng tôi háo hức lắm rồi. Rượu Tết ngày xưa chủ yếu là rượu cam, rượu chanh, hình như xịn nhất là rượu Nàng Hương thì phải. Ngoài ra, trong túi hàng Tết còn có đủ cả trà, thuốc, bóng bì, hạt tiêu, miến dong… À, hồi đó còn có thêm cả bánh pháo hồng tươi để đốt vào giao thừa nữa chứ.

Bánh kẹo bây giờ đủ loại sang xịn, nhưng tôi không thể quên hương vị những chiếc bánh quy gai gia công mà Tết nào mẹ cũng ra tận lò bánh ở phố Sinh Từ để làm. Những hôm đi làm bánh quy, mẹ thường phải dậy sớm, mang theo bột mì và trứng gà. Tại lò bánh, bột mì được nhào với trứng gà và đường với công thức gia truyền rồi đưa vào máy ép. Bánh quy gai dài chừng 8cm, chiều ngang khoảng 2 ngón tay trẻ em và có những chiếc gai ở cạnh của bánh. Có lẽ vì vậy nên bánh được gọi là bánh quy gai.

troi theo ky uc nhung ngay can tet
Ảnh tư liệu.

Những ngày áp Tết, lò bánh lúc nào cũng đông nghịt người tới làm bánh. Có những hôm mẹ đi từ sáng sớm mà đến tận chiều muộn mới trở về nhà. Mưa cuối năm lạnh buốt, mẹ đói run người mà không dám nếm vài cái bánh. Bà rảo bước thật nhanh, mang những chiếc bánh quy gai nóng hổi về cho chúng tôi được “nếm” vài chiếc trước khi gói kỹ trong nilon, cất đi để dành đến Tết. Ngày ấy, những chiếc bánh quy gai giòn tan, thơm mùi trứng gà, va-ni là thứ quà thật “xa xỉ” với chúng tôi.

Xong bánh quy là cũng vừa đến lúc soạn sửa bánh chưng. Thời bao cấp, người ta có thể mua bánh chưng gói sẵn ở cửa hàng mậu dịch, nhưng bánh như vậy thường không ngon nên khu phố nhà tôi thường rủ nhau cùng gói bánh. Gạo nếp, đậu xanh mua ở cửa hàng về được các mẹ vo gạo, đãi đậu kỹ lưỡng. Rét mướt là thế nhưng các mẹ vẫn rủ nhau rửa lá dong ngoài máy nước công cộng, vui đáo để.

Tối đến, dưới ánh đèn vàng ấm áp, các ông bố ngồi tỉ mẩn tước lá dong. Lũ trẻ chúng tôi lăng xăng lau lá, hóng mẹ đồ đậu xanh, nắm xong để còn vét chõ. Bao giờ mấy ông bố cũng nhớ gói vài cái bánh chưng xinh xinh cho lũ trẻ con chúng tôi. Bánh bé thôi nhưng nhân thịt, đậu lúc nào cũng đủ đầy. Mấy gia đình quây quần quanh bếp. Các mẹ tranh thủ “giúi” một ít khoai, sắn vào lòng bếp. Chỉ một thoáng, hương thơm của khoai nướng, sắn nướng đã lan trong gió. Mấy đứa trẻ chúng tôi xúm xít vừa ăn vừa thổi, cái cảm giác thật ấm áp làm sao. Các bố ngồi nhâm nhi chén trà, làm vài ván cờ. Thi thoảng, các mẹ lại “tiếp thêm nước” cho nồi bánh chưng. Những đêm thức trông bánh chưng như thế mãi in sâu trong tâm khảm lũ trẻ chúng tôi.

Sau bao ngày bận rộn chuẩn bị Tết, cuối cùng mọi việc cũng đâu vào đấy. Chiều 30, mọi người trong gia đình cùng quây quần quanh mâm cỗ tất niên với những món cổ truyền của Hà Nội. Vậy là những ngày cận Tết đã qua đi… Ừ nhỉ, Tết đang đến thật gần, hương trầm ngan ngát thơm trong gió lạnh chiều cuối năm.

Giờ đây, cuộc sống đã đủ đầy hơn trước, nhưng chắc hẳn, có những hình ảnh thân thương ta chỉ có thể tìm lại trong miền ký ức…

Vy Anh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top