Chiều ngày 13/1, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến để công bố Quy chế quản lý kiến trúc TP. Hà Nội và Chương trình phát triển đô thị TP. Hà Nội giai đoạn đến năm 2035.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - ông Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, 2 nội dung này đóng vai trò rất quan trọng trong việc cụ thể hóa các nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, cũng như điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 tầm nhìn đến năm 2065.
Đây là tập hợp các quy định, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án và chỉ tiêu nhằm quản lý quy hoạch, kiến trúc và phát triển đô thị một cách có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch được phê duyệt.
Theo Chương trình phát triển đô thị TP. Hà Nội giai đoạn đến năm 2035, đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 16 quận, bao gồm 12 quận hiện nay và 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức dự kiến được nâng cấp thành quận.
Thành phố cũng sẽ công nhận thị xã Sơn Tây là đô thị loại III trực thuộc Thủ đô, đồng thời đẩy mạnh đầu tư phát triển các khu vực đô thị mới. Đô thị tại phía Bắc Thủ đô với hạt nhân là quận Đông Anh, được định hướng trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô trong giai đoạn đến năm 2035. Trong khi đó, khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai ở phía Tây và Phú Xuyên, Thường Tín ở phía Nam được lên kế hoạch phát triển thành các thành phố trực thuộc Thủ đô vào giai đoạn đến năm 2045, theo các điều chỉnh trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.
Chương trình cũng xác định mục tiêu phát triển Hà Nội thành một đô thị hiện đại, trung tâm hỗ trợ liên kết vùng và là đầu tàu dịch vụ tổng hợp của cả nước, đồng thời là điểm đến kinh tế, văn hóa hấp dẫn trên trường quốc tế. Tỷ lệ đô thị hóa được đặt mục tiêu đạt từ 65-70% với tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng hiện đại đạt 30%. Đến năm 2035, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực nội thành dự kiến đạt 32m2/người, trong đó ưu tiên đầu tư tái thiết các khu chung cư cũ và phát triển nhà ở xã hội.
Đến năm 2045, Hà Nội được kỳ vọng sẽ trở thành Thủ đô văn hóa, một đô thị thông minh, sinh thái, trung tâm tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời là nơi tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế và văn hóa tầm cỡ châu Á và quốc tế. Thành phố sẽ phát triển theo hướng xanh và sinh thái, với sông Hồng là biểu tượng phát triển bền vững, khẳng định vị thế của Thủ đô Hà Nội trong khu vực và trên thế giới.